Thông tin này được một quan chức cấp cao giấu tên từ EU tiết lộ với hãng thông tấn Reuters hôm 21/3. Vị quan chức cũng cho biết, các nước thuộc liên minh đang thực hiện vòng trừng phạt thứ 5, với nhiều biện pháp mới đang được đề xuất.
Ngoại trưởng các nước EU sẽ tiến hành thảo luận trong ngày 21/3, trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Brussels (Bỉ) vào ngày 24/3 tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như với EU và nhóm các nước G7, trong đó có Nhật Bản.
Một dàn khoan dầu khí của Nga ở khu vực Tây Siberia. Ảnh: Dyshlyuk |
EU cùng các nước đồng minh phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với 685 cá nhân người Nga và Belarus, cũng như các hệ thống tài chính và thương mại của Nga, nhằm gây sức ép buộc nước này chấm dứt các hành động quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cho đến nay vẫn chưa thay đổi mục đích chiến dịch của mình ở Ukraine bất chấp việc phải hứng chịu 4 đợt trừng phạt từ EU trong 3 tuần qua.
Điều đó khiến EU đứng trước sự lựa chọn khó khăn nhất về mặt kinh tế là có nên nhắm mục tiêu vào dầu thô của Nga như Mỹ và Anh từng làm hay không, do nhiều nước trong khối vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu này từ Moscow.
Nhiều nhà ngoại giao EU nói với Reuters rằng, các nước thuộc khu vực Baltic đang kêu gọi áp lệnh cấm vận dầu thô đối với Nga, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá vội vàng vì giá năng lượng ở châu Âu đang ở mức rất cao.
Trước đó, Nga đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của nước này có thể khiến Moscow phải đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt lớn tới châu Âu. Hiện tại, EU vẫn còn phụ thuộc tới 40% nguồn cung khí đốt từ Nga, trong đó Đức là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất.
Mọi động thái của EU đều cần có sự đồng thuận của cả khối. Pháp, nước đang là chủ tịch luân phiên của EU, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định có nên trừng phạt Nga hay không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Ukraine, sẽ không có "vùng cấm" cho các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Nga phải tính toán lại nước đi của mình.
Việt Anh
Ukraine muốn đàm phán ở Jerusalem, Mỹ không tham gia sứ mệnh hòa bình
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Jerusalem có thể là địa điểm tổ chức đàm phán hòa bình với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Ukraine bác 'tối hậu thư' của Nga, quyết không đầu hàng tại Mariupol
Giới chức Ukraine đã thẳng thừng từ chối việc đầu hàng ở Mariupol, sau khi Nga ra 'tối hậu thư' yêu cầu các lực lượng phòng thủ thành phố này hạ vũ khí trước 5 giờ sáng 21/3 (giờ Moscow).