Quy định mới này của Liên minh châu Âu (EU) còn nhấn mạnh, nếu phát hiện trường hợp vi phạm có hệ thống trên Facebook và Youtube, những mạng xã hội này có thể bị phạt vài phần trăm doanh thu hàng năm.
Quyết tâm của châu Âu
Cực đoan là cụm từ nhằm chỉ những đối tượng có suy nghĩ duy ý, thường xem những việc mình làm đều đúng và không thể nhìn nhận sự việc một cách bao quát. Chủ nghĩa cực đoan là tổng hợp tất cả các luận điểm thành chủ thuyết với mục đích tạo nên một nhóm người để làm tác động, lung lay ý nghĩ của mọi người trong xã hội.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với các biện pháp cách ly và đóng cửa mà chính phủ các nước đang thực hiện, chủ nghĩa cực đoan lại mở rộng phạm vi hoạt động nhiều hơn trên mạng xã hội.
Việc các tư tưởng cực đoan trôi nổi trên Internet tác động xấu, tiêu cực đến tâm lý và suy nghĩ của người dân đã gây nên mối lo lớn về an ninh, nhất là ở châu Âu, nơi hồi tháng 10 vừa chứng kiến một số vụ tấn công khủng bố tại Vienna (Áo) và Nice (Pháp) liên quan đến các nhóm tư tưởng cực đoan.
Ủy viên phụ trách vấn đề công nghiệp của EU Thierry Breton kêu gọi giao thêm quyền cho các cơ quan quản lý. Ảnh: AP |
Ngày 10/12, các nghị sĩ EU đã nhóm họp và tiếp tục đạt được sự nhất trí cao về việc siết chặt an ninh tại các đường biên giới bên ngoài và kiểm soát chặt chẽ hơn các bài viết có nội dung cực đoan bạo lực trên Internet, bao gồm yêu cầu các nền tảng có nghĩa vụ dỡ bỏ những nội dung vi phạm trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Gọi đây là một dấu mốc quan trọng trong việc giúp ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas cho biết, các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã hoàn thiện dự thảo quy định mới. Theo đó, các quy định này có hiệu lực trên toàn liên minh nhằm tạo ra công cụ mới, hiệu quả và nhanh chóng giúp nhanh chóng gỡ các bài viết có nội dung cổ súy khủng bố trong chưa đến một giờ đồng hồ sau khi bị "đánh dấu".
Cùng với đó, các nước thành viên EU cũng sẽ ghi lại và số hóa dữ liệu xuất-nhập cảnh giữa các nước trong khu vực tự do đi lại Schengen với bên ngoài, và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia thứ 3 nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố.
Pháp, quốc gia đang đi đầu trong phong trào chống cực đoan ở châu Âu còn tiết lộ một kế hoạch hành động cứng rắn là điều tra hoạt động của 76 nhà thờ Hồi giáo. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin khẳng định, đến nay, nước này vẫn duy trì tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất và chính phủ đang triển khai một loạt biện pháp "quy mô lớn và chưa từng có tiền lệ" nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan mang màu sắc tôn giáo.
Còn Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng EU cần có một kế hoạch đồng bộ và quyết liệt hơn nhằm đối phó với các tay súng thánh chiến người nước ngoài, cũng như những đối tượng muốn gia nhập tổ chức khủng bố.
Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thì đề xuất, muốn ngăn chặn các mối đe dọa xuất phát từ những phần tử bị tiêm nhiễm các tư tưởng tôn giáo cực đoan và thực hiện vụ tấn công theo kiểu "sói đơn độc", phải có sự hợp lực từ các cơ sở tôn giáo.
Theo ông Charles Michel, khu vực này cần thành lập một học viện đào tạo các giáo sĩ Hồi giáo "càng sớm càng tốt" để đảm bảo thông điệp mà các giáo sĩ truyền đạt đến các tín đồ không có tư tưởng thù hận.
Theo dự luật mới, các đại gia công nghệ có thể bị phạt tối đa 6% doanh thu hàng năm nếu không gỡ bỏ nội dung cực đoan, bạo lực trong 1 giờ đồng hồ sau khi bị phát hiện. |
Mức phạt 6% doanh thu của doanh nghiệp
Ngày 2/12, Ủy viên phụ trách vấn đề công nghiệp của EU Thierry Breton và người đồng cấp phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager đã công bố các dự luật mới mang tên "Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số" và "Đạo luật thị trường kỹ thuật số". Các dự luật sẽ tạo ra khái niệm "những người gác cổng" trực tuyến, trong đó bao gồm một danh sách những điều được phép và không được phép làm đối với các công ty mà EU đánh giá là cần một chế tài đặc biệt để quản lý…
Ngày 15/12, ông Thierry Breton và Margrethe Vestager sẽ trình bày cụ thể về dự luật này trước Nghị viện châu Âu. Hãng Reuters nhận định, các tiêu chí xác định "người gác cổng" trực tuyến kiểm soát quyền truy cập vào con người, dịch vụ và thông tin sẽ nhằm vào các Tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ gồm Google, Facebook, Apple và Amazon.
Một điểm đáng chú ý trong dự luật mới này là các mạng xã hội và nền tảng công nghệ khác có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu họ không tuân thủ lệnh xóa nội dung tuyên truyền khủng bố hoặc các bài đăng bất hợp pháp khác và các nền tảng công nghệ cũng sẽ phải cung cấp cho cơ quan quản lý thông tin về cách họ xử lý các nội dung có hại khác.
Trước đó, tháng 4-2019, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu từng thông qua dự luật phạt 4% doanh thu toàn cầu đối với những công ty mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter nếu họ không gỡ bỏ nội dung độc hại, mang tính cực đoan trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Giới quan sát tính toán, nếu Facebook bị phạt tối đa 6% doanh thu theo quy định mới, mạng xã hội này có thể bị thiệt hại 4,2 tỷ USD (dựa trên doanh thu năm 2019).
EU đang quyết tâm siết chặt kiểm soát về thông tin bạo lực, cực đoan trên mạng Internet. Ảnh: Getty |
Được biết, Google, Facebook, Twitter… đã bị giám sát gắt gao về việc phổ biến lời nói căm thù và tuyên truyền khủng bố, cùng với việc không ngăn chặn được sự lan truyền thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh. Do đó, giới chức châu Âu kỳ vọng việc cải tổ quy định sẽ hạn chế sự gia tăng của các bài đăng độc hại, bao gồm cả những bài kích động bạo lực, một mối lo ngại đang trở nên sâu sắc hơn ở khu vực sau các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Pháp và Áo.
Hiện EU đang khuyến khích các quốc gia thành viên xác định các quy tắc xung quanh hình phạt, mặc dù họ sẽ không được phép vượt quá mức phạt trần là 6% doanh thu. Trong các trường hợp liên quan đến "các nền tảng lớn với khoảng hơn 45 triệu người dùng", Ủy ban châu Âu có thể phạt trực tiếp và yêu cầu công ty dừng ngay lập tức bất kỳ hành vi có hại nào.
EU cho biết ngưỡng người dùng xác định một nền tảng lớn sẽ phải được cập nhật thường xuyên để đảm bảo nó luôn đại diện cho khoảng 10% dân số của khu vực. Các nền tảng lớn này sẽ phải đối mặt với các nghĩa vụ bổ sung và thực hiện các đánh giá xác định rủi ro hệ thống, bao gồm cả cách dịch vụ của họ có thể bị thao túng bởi các tài khoản không xác thực hay yêu cầu xuất bản thông tin xung quanh các quảng cáo mà nền tảng đã hiển thị.
Bên cạnh đó, các nền tảng cũng sẽ có nghĩa vụ thu thập thông tin nhận dạng từ các thương gia bán cho người dùng trên nền tảng của và cho người dùng biết ai đã trả tiền cho một quảng cáo trực tuyến và lý do người dùng đó đang được nhắm làm mục tiêu. Chưa hết, các công ty nước ngoài sẽ phải chỉ định một đại diện ở châu Âu để đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ mới.
Đáp lại những động thái mới từ EU, các đại gia công nghệ Mỹ lại cảnh báo khu vực này về việc "Bảo vệ Internet mở". Theo lập luận của họ, các khung pháp lý cho dịch vụ kỹ thuật số hầu như không thay đổi trong khu vực trong khoảng 20 năm qua và "lời hứa làm mới về Internet mở là để tạo ra những thuận lợi mới chứa không phải giới hạn môi trường trực tuyến"…
Bức thư mà tập đoàn công nghệ gửi tới lãnh đạo châu Âu còn cho rằng những quy định trong hai dự thảo luật thậm chí giống như "các chế độ đàn áp trên khắp thế giới sử dụng các khuôn khổ pháp lý hà khắc để kìm hãm các quyền tự do trực tuyến".
Tuy nhiên, có vẻ như giới chức châu Âu không đồng tình với cách nhìn nhận này. Ông Thierry Breton cho biết các cơ quan quản lý phải có quyền làm nhiều hơn là chỉ trích công khai những "gã khổng lồ Internet". "Các quy tắc nghiêm ngặt phải được thực thi. Đối với điều này, chúng tôi cần có biện pháp thích hợp, khả thi: phạt tiền, loại trừ các công ty hoặc các bộ phận trong dịch vụ của họ khỏi thị trường EU", ông Thierry Breton nói.
Được biết, hồi tháng 11, Facebook, Microsoft, Twitter, YouTube, Instagram và Snap đã cùng nhau hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu chung để tạo "dấu vân tay kỹ thuật số" cho các nội dung khủng bố, cực đoan và chia sẻ chúng để người dùng nhận diện và phòng tránh. YouTube cũng từng khẳng định đã loại bỏ hơn 80% video có thông tin khủng bố ngay trước khi các nội dung đó bị người dùng phản hồi tiêu cực.
Tuy nhiên các chuyên gia vẫn nhận định, cần có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn, ứng dụng công nghệ phát hiện tự động và xử lý nhanh thông tin có nội dung không phù hợp, nhằm loại bỏ mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của các công dân.
(Theo Cảnh sát toàn cầu)
Twitter bị phạt 450.000 euro vì lỗi bảo mật thông tin người dùng
Khoản tiền phạt liên quan đến một cuộc điều tra hồi năm 2019 về một lỗi trong ứng dụng của Twitter trên hệ điều hành Android, khiến một số tweet cá nhân của người dùng bị công khai.