- Từ 10/1/2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được phép tự quyết tăng giá điện bán lẻ bình quân tới 7%, cao hơn so với biên độ 5% hiện nay. Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 69, quy định mới về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, thay thế cho cơ chế giá điện hiện hành theo Quyết định 24 ngày 15/4/2011.

Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ được thực hiện trên nguyên tắc: chỉ điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở. Các thông số đầu vào khác chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện bình quân sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định.

Trong đó, thông số đầu vào cơ bản là các yếu tố có tác động trực tiếp đến chi phí phát điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát, bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và giá thị trường phát điện canh tranh.

{keywords}

Điểm mới nhất là quyền tự chủ trong điều chỉnh giá điện của EVN đã được tăng lên so với quy định hiện nay. Đồng thời, tần suất điều chỉnh giá điện sẽ được giảm bớt còn 1 năm 2 lần. Mỗi lần điều chỉnh giá điện phải cách nhau tối thiểu 6 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay.

Trong phạm vi khung giá do Thủ tướng vừa phê duyệt, EVN sẽ được điều chỉnh giá điện bình quân tăng tối thiểu là 7%.

Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động làm cho giá điện bình quân cơ sở cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN sẽ được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Nếu giá điện bình quân cơ sở tăng từ 10% trở lên hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh vượt ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN sẽ phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 10 ngày tiếp theo, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với trước làm cho giá điện cơ sở thấp hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), EVN sẽ phải giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Sau khi có báo cáo quyết toán chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Quyết định nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân. Bộ Công Thương được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân.

Ngoài ra, quyết định cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính phải công bố công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện; đồng thời, công bố công khai tình hình lỗ, lãi của EVN và các chi phí chưa tính vào giá thành. EVN cũng phải công bố công khai việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và lý do điều chỉnh.

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn năm 2013-2015. Trong đó, giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh, thấp hơn 4,7% so với hiện nay, giá tối đa là 1.835 đồng/kWh, cao hơn 21,6% so với hiện nay.

Năm 2013, giá điện chỉ tăng 1 lần với mức tăng 5% kể từ 1/8. Mức giá bình quân hiện nay là 1.508,85 đồng/kWh.

Giá bán điện bình quân cơ sở là giá bán điện bình quân kế hoạch được xây dựng hàng năm trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của bốn khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Giá thị trường phát điện cạnh tranh là giá được xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh theo các nguyên tắc và quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Phạm Huyền