{keywords}
 

Sáng 18/2, người dân Australia đã thức dậy với một tin tức không thể chấn động hơn: Facebook cấm toàn bộ tin tức trên nền tảng của họ đối với công dân Australia. Quyết định gây sốc của mạng xã hội nhằm đáp trả dự luật Media Bargaining của nước này. Chính phủ liên bang muốn thúc đẩy kế hoạch buộc các hãng công nghệ lớn trả tiền cho tin tức báo chí.

Động thái khiến nhiều người kêu gọi tẩy chay công ty của Mark Zuckerberg. Họ chỉ trích quyết định này không khác gì hành vi bắt nạt, được thiết kế để trừng phạt khán giả Australia. Điều đó đồng nghĩa người dùng Australia không còn được xem hay chia sẻ tin tức báo chí, trong khi người dùng quốc tế cũng không được xem tin tức từ Australia trên Facebook.

Ngay sau khi Facebook công bố quyết định, các trang tin tức, phóng viên, tổ chức và độc giả Australia… bày tỏ sự phẫn nộ của mình. Giáo sư Julie Leask, chuyên gia đến từ Khoa Y học và Sức khỏe Đại học Sydney, nhận định tác động của việc cấm đoán này còn kinh khủng hơn xét tới tình hình Covid-19 hiện nay.

“Thời điểm không thể tồi tệ hơn. Facebook kiểm duyệt nội dung anti vaccine “vì sức khỏe cộng đồng” cùng lúc với cấm người dùng tiếp cận tin tức địa phương trước đợt tiêm vaccine. Ba ngày trước khi tiến hành tiêm vaccine Covid-19, người dân Australia sử dụng Facebook làm nguồn tin chính đã không còn được tiếp cận thông tin đáng tin cậy về vaccine từ các tổ chức tin tức, cơ quan chính phủ, y tế. Đây phải là lúc người dùng được tiếp cận thông tin vaccine một cách dễ dàng”, ông phát biểu.

Trước hành động của Facebook, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg nhấn mạnh chính phủ Australia vẫn sẽ gắn bó với kế hoạch của mình mà không quan tâm tới hành vi bắt nạt của hãng công nghệ Mỹ. Ông tiết lộ Facebook không hề báo trước với chính phủ về quyết định của mình. Vài giờ sau đó, trả lời trước báo chí, ông tỏ ra giận dữ và khẳng định: “Facebook đã sai. Hành động của Facebook không cần thiết. Họ sẽ làm tổn hại uy tín của mình tại Australia”.

Facebook cấm người dân truy cập website chính phủ - dù đó là dịch vụ y tế, khẩn cấp, Cục Khí tượng, những đối tượng hoàn toàn không liên quan tới dự luật kỹ thuật số. “Sự kiện hôm nay xác nhận với tất cả người dân Australia về sức mạnh thị trường to lớn của các gã khổng lồ truyền thông”. Theo Bộ trưởng, dự luật kỹ thuật số vô cùng quan trọng với cải cách kinh tế vi mô. Nó được Thủ tướng Australia khởi xướng khi ông còn là Bộ trưởng Ngân khố.

Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher chỉ trích lập trường của Facebook. Ông nói Australia luôn làm rõ quan điểm muốn Google và Facebook ở lại nước này, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Song khi kinh doanh tại đây, họ cần tuân thủ luật pháp do Quốc hội Australia đưa ra. Ông cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Google và ba công ty truyền thông trong nước. Ông gọi quyết định của Facebook là “bất ngờ” và không tốt cho hình ảnh của họ về lâu dài. “Tất nhiên, tác động cộng đồng của điều này rất lớn”.

Báo chí quốc tế như BBC, CNBC, New York Post, Financial Times… đồng loạt đưa tin về sự kiện. Reset Australia, tổ chức toàn cầu với mục tiêu chống nguy cơ kỹ thuật số với nền dân chủ, cũng lên án Facebook. Giám đốc điều hành Chris Cooper cho rằng việc Facebook chặn tin tức giữa thời điểm dịch bệnh thực sự cho thấy Zuckerberg “quan tâm” tới xã hội và cộng đồng Australia ra sao.

Ông nhận định: “Facebook đang nói với người dân Australia rằng họ thà vận hành một nền tảng nơi cấm đoán, giảm ưu tiên tin đúng sự thật, để cho tin giả lấp chỗ trống hơn là tham gia vào các nỗ lực quản lý một cách có ý nghĩa. Khác biệt giữa tin tức và tin tức sai sự thật và giá trị của tin tức đối với chức năng của nền dân chủ không có ý nghĩa gì với Facebook. Quy định gây bất lợi đối với lợi nhuận trước mắt của họ và sự thù địch trong phản ứng của họ cho thấy sự cần thiết của quản lý”.

Ông còn nói thêm nạn tin giả đang hoành hành trên Facebook và nay còn tăng lên nữa. “Mạng xã hội đã trợ lực cho các thuyết âm mưu và tin giả, đẩy mọi người vào “buồng vang” nơi tất cả những gì họ thấy chỉ là tin giả. Sự vắng bóng của tin tức trên nền tảng chỉ làm tăng hiệu ứng của buồng vang này”.

Độc giả của trang tin news.com.au cũng tỏ ra phẫn nộ, họ gọi Facebook là kẻ bắt nạt và kêu gọi tẩy chay nền tảng, truy cập trực tiếp các website tin tức. “Nếu cần một lý do để đóng tài khoản Facebook, chính là đây”, một người bình luận. Người khác viết “Facebook cần chịu trách nhiệm cho hành động của mình”. “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kiểm duyệt và hạn chế tin tức”, người khác đưa ý kiến.

Trong khi đó, sự chú ý cũng đổ dồn vào việc Facebook trông sẽ như thế nào nếu không có tin tức. Một số người đã bày tỏ sự kinh hoàng khi nhìn vào bảng tin Facebook nhàm chán với tin giả, thuyết âm mưu cùng như những bức ảnh tiệc tùng, con cái bất tận của bạn bè. Theo Nghị sỹ liên bang Rebekha Sharkie, mọi người chủ yếu đọc tin tức từ Facebook cùng các dịch vụ khác. Họ sẽ đi tìm phương án thay thế nếu Facebook không cho chia sẻ tin tức nữa.

Du Lam (Tổng hợp)

Facebook ‘xóa sổ’ hàng loạt bài viết của cơ quan chức năng Australia

Facebook ‘xóa sổ’ hàng loạt bài viết của cơ quan chức năng Australia

Dường như định nghĩa ‘tin tức’ của Facebook vô cùng rộng.