Vào ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị dành cho Nhà phát triển của Facebook (Hội nghị F8) vào đầu tuần này, Facebook đã vạch ra một tầm nhìn của tương lai, trong đó tập trung xoay quanh ứng dụng nhắn tin. Một trong những điều thú vị nhất của động thái này nằm ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử mạng xã hội này, vai trò của Bảng tin (News Feed) bị hạ thấp. Trong khi Mark Zuckerberg cho biết cái mà anh gọi là "quảng trường thành phố kĩ thuật số" (ám chỉ News Feed) vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, nhưng các sản phẩm của Facebook sẽ hướng sự chú ý của người dùng vào những "căn phòng khách ảo" có quy mô nhỏ hơn và riêng tư hơn, bao gồm: các nhóm kín, sự kiện và nhất là các tin nhắn.
Như đã đề cập trước đó, một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự thay đổi này là ở chỗ người dùng ngày nay đã "chán" với những cú click và chạm (chính là việc lướt News Feed và nhấn Like, Reaction hay bình luận), mà giờ đây họ dành nhiều thời gian hơn ở những không gian riêng tư hơn là những "căn phòng" công cộng như News Feed. Việc chia sẻ ảnh và video với bạn bè vẫn là hoạt động phổ biến với các ứng dụng như Instagram và Whatsapp, và do đó Facebook vẫn tiếp tục đầu tư nguồn lực để phát triển các tính năng liên quan đến ảnh và video trong các ứng dụng này.
Nhưng bạn hãy thử đặt vào vị trí của hàng trăm triệu người dùng hàng ngày vẫn dành thời gian trên Facebook (mà cũng không cần phải đặt mình vào vị trí ấy, vì tôi tin chắc đa số chúng ta đều sử dụng mạng xã hội này mỗi ngày). Đâu sẽ là nơi mà bạn vào để xem các hoạt động của bạn bè và gửi tin nhắn cho họ? Đó chính là vấn đề đã khiến Facebook "loay hoay" trong suốt một năm qua. Trong bối cảnh người dùng ngày càng ít đăng tải nội dung lên News Feed, chúng ta biết tìm kiếm những thông tin như vậy về bạn bè mình ở đâu?
Chúng ta đã có được câu trả lời cho thắc mắc trên tại Hội nghị F8 diễn ra trong tuần vừa qua, mặc dù các chiến lược lâu dài thường nhận được ít sự quan tâm hơn so với lễ công bố những sản phẩm mới. Nhưng Facebook đã thực sự có một "phương án" khác dành cho những tương tác bạn bè thực sự của bạn, và Messenger chính là điểm khởi đầu của những tầm nhìn mới đó.
Ben Thompson, một cây bút chuyên viết về công nghệ, mới đây đã "đăng đàn" giải thích lý do đằng sau động thái này của Facebook. Anh cho rằng Facebook buộc phải thực hiện biện pháp này bởi Snapchat và Instagram đã làm giảm mức độ hứng thú của người dùng đối với News Feed cũ của Facebook, và việc Facebook thay đổi thuật toán của News Feed để ưu tiên các bài đăng "có ý nghĩa" (nhưng thực chất là đẩy cao nội dung của các nhà xuất bản lớn) chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Thompson viết: "Chính điều này sau đó đã dẫn đến chiến lược mới của Facebook: đó là hãy để Facebook cứ là chính mình – một cổng thông tin dẫn vào thế giới Internet của người dùng. Trong đó tập trung vào các Nhóm để nhấn mạnh vai trò mạng lưới của Facebook. Họ từ bỏ việc "trang hoàng" lại một dịch vụ vốn đã bị chỉ trích rất nhiều về quyền riêng tư, chuyển sang trở thành một điểm đến cho bạn bè, người thân và gia đình. Cùng lúc đó, công ty sẽ xây dựng lại Messenger trở thành một mạng xã hội riêng của chính nó, một cách hoàn chỉnh với hệ thống bảng tin (các bài đăng story Messenger) và mạng lưới kết nối (là một phần mạng lưới bạn bè mà người dùng thiết lập trên tài khoản Facebook chính). Với tất cả những thay đổi này, công ty kỳ vọng vẫn sẽ bảo đảm quyền riêng tư của người dùng mà vẫn giữ nguyên được những trải nghiệm và hệ thống quảng cáo ban đầu đã làm nên Facebook."
Messenger đã "chiếm sóng" khá nhiều trong buổi hội thảo vừa qua (hoặc cũng không hẳn là như vậy – nó xứng đáng có được vị trí như thế, một sản phẩm với quy mô 1,3 tỷ người dùng). Sau khi được thiết kế lại vào năm ngoái nhằm đơn giản hoá ứng dụng (trước đó như một "nồi lẩu thập cẩm" các tính năng), Facebook cho biết sẽ làm cho Messenger trở thành ứng dụng nhắn tin có tốc độ tải nhanh nhất trên thị trường, khởi đầu với việc thu nhỏ dung lượng ứng dụng chỉ còn chưa tới 30 MB). Công ty cũng đã công bố kế hoạch đưa Messenger lên nền tảng máy tính desktop nhằm thu hút người dùng hơn nữa. Về bảng tin của Messenger (tab thứ hai trong ứng dụng Messenger hiện tại), Facebook cho biết đó sẽ là nơi người dùng có thể xem các bài đăng story của bạn bè, trạng thái hiện tại của họ (thể hiện qua các biểu tượng cảm xúc), và thậm chí là cả các story mà người dùng đăng lên News Feed Facebook (hiện tại công ty đã bắt đầu thử nghiệm hợp nhất tính năng story của hai ứng dụng Facebook và Messenger).
Asha Sharma, lãnh đạo mảng sản phẩm tiêu dùng của Messenger, đóng vai "ngôi sao" của buổi thuyết trình ngày hôm qua. Hôm thứ tư, phóng viên trang tin The Verge đã có cuộc trao đổi với Sharma về tương lai của Messenger. Một trong những điều khiến phóng viên ngạc nhiên là cách mà Sharma đề cập tới Messenger cho thấy cô đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tách Messenger khỏi Facebook và biến nó thành một nền tảng độc lập – Facebook giờ sẽ chuyển sang phục vụ các cộng đồng người dùng lớn, còn Messenger trở thành một mạng xã hội thực thụ phục vụ cho việc tương tác với người thân và bạn bè.
"Những cơ hội mà Messenger đang có đó là, chúng tôi sẽ xây dựng một mạng xã hội xung quanh hoạt động nhắn tin – chứ không phải là ngược lại. Khi nhắn tin, bạn chủ yếu tương tác và giao tiếp với tối đa 5 người thân nhất là cùng. Nếu có thể giúp người dùng xây dựng những trải nghiệm thoải mái nhất với 5 cuộc trò chuyện đó, để bạn có thể chia sẻ nhiều hơn và có những khoảng thời gian thực sự giá trị bên nhau, thì điều đó sẽ thật là tuyệt vời," Sharma cho hay.
Ứng dụng Messenger ở thời điểm hiện tại có một tab "People" nằm ở trung tâm mà Sharma mô tả đó giống như một chiếc "danh bạ điện thoại số" của người dùng. Trong tab này có một hàng chuyên hiển thị các story Messenger của bạn bè, và danh sách những người bạn đang online. Sharma sau đó cho phóng viên The Verge xem phiên bản thử nghiệm mới của Messenger, trong đó các thành viên gia đình và đồng nghiệp mà cô thân thiết được hiển thị nổi bật dưới dạng các bong bóng ở trên cùng. "Đó là không gian mà tôi có thể chia sẻ nhiều hơn với những nhóm nhỏ bạn thân và những người mà tôi quan tâm nhất," cô cho biết.
Dĩ nhiên, việc Facebook xây dựng một không gian dành cho bạn bè thân thiết trên Messenger không có nghĩa rằng nó sẽ ngay lập tức thu hút được người dùng. Các công ty phân tích thị trường cho biết mặc dù Messenger có số lượng người dùng đông đảo nhất, song người dùng Snapchat lại mới là những người truy cập vào ứng dụng thường xuyên nhất và sử dụng ứng dụng trong khoảng thời gian lâu nhất. Chiến lược mới của Facebook phụ thuộc chủ yếu vào việc triển khai tính năng stories Facebook – và mặc dù tính năng này đã có đến 500 triệu người dùng hoạt động tích cực hàng tháng trên phạm vi toàn cầu, nhưng tỉ lệ người trẻ Bắc Mỹ trong khoảng tuổi từ 20-40 sử dụng tính năng này vẫn khá thấp.
Tuy nhiên, miễn là nhóm người dùng thuộc độ tuổi ấy vẫn gắn bó với nền tảng Instagram, Facebook không có lý do gì để quá lo ngại. Và trong thời điểm đó, Messenger có thể được sử dụng như một "phòng thí nghiệm" các tính năng mà Facebook kỳ vọng sẽ đem lại cho người dùng sự hấp dẫn và thích thú tương tự như những gì News Feed đã làm được trước kia. Sharma cho biết nhóm phát triển Messenger của cô vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng — họ vẫn đang thảo luận về cách thức bố trí và hiển thị tab Bạn bè sao cho hợp lý nhất. Nhưng nếu bạn tò mò muốn biết những khía cạnh nào của Facebook "ngày xưa" sẽ được giữ lại trong phiên bản mới và những khía cạnh nào sẽ bị loại bỏ, thì hãy cùng chờ xem.