Từ ngày 1/8, Meta bắt đầu chặn người dân Canada truy cập tin tức trên Facebook và Instagram nhằm phản đối Đạo luật Tin tức trực tuyến, yêu cầu hãng trả tiền nội dung cho các nhà xuất bản. Google cũng đang cân nhắc động thái tương tự.

Thông báo về việc người dùng Facebook Canada không thể xem nội dung tin tức. (Ảnh: X).

Trong một tuyên bố, Meta cho biết: “Những người sống ở Canada không thể xem liên kết và nội dung tin tức do các nhà xuất bản, truyền hình Canada đăng tải nữa”. Người dùng Facebook và Instagram Canada cũng không thể xem tin tức trên các trang web nước ngoài. Bên cạnh đó, họ còn bị mất quyền chia sẻ tin tức trên hai nền tảng.

Theo The Verge, nếu một người Canada kết bạn với một người Mỹ trên Facebook và người Mỹ chia sẻ liên kết dẫn đến tin tức, người Canada sẽ không xem được.

Meta lưu ý thay đổi sẽ hoàn tất trong vài tuần tới.

Instagram cũng chặn người dân Canada xem tin tức. (Ảnh: X)

Đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada được xây dựng dựa trên quy định tại Australia với mục tiêu hỗ trợ lĩnh vực báo chí nước này, vốn đang vật lộn để tồn tại sau khi bị các “ông lớn” công nghệ như Meta, Google lấy đi phần lớn quảng cáo. Hàng trăm tòa soạn đã phải đóng cửa trong một thập kỷ qua.

Đạo luật yêu cầu doanh nghiệp công nghệ lớn phải thực hiện thỏa thuận thương mại với các hãng tin Canada vì thông tin chia sẻ trên nền tảng của họ, nếu không sẽ phải phân xử qua trọng tài.

Báo cáo năm 2022 của nhà chức trách Canada ước tính quy định sẽ giúp báo chí Canada nhận được khoảng 250 triệu USD mỗi năm từ các nền tảng số.

Tuy nhiên, Meta cho rằng luật thiếu sót và dựa trên “tiền đề không chính xác về việc Meta được hưởng lợi không công bằng từ nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng”. Mạng xã hội khẳng định bản thân báo chí mới được hưởng lợi từ việc chia sẻ tin tức trên Facebook, Instagram để thu hút độc giả, tăng doanh thu. Công ty của Mark Zuckerberg nhấn mạnh người dùng không đến với họ vì tin tức.

Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge gọi hành động chặn tin tức là “vô trách nhiệm” và lưu ý 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Canada đã chảy về Meta và Google. Bà nói thêm: “Báo chí tự do và độc lập là nền tảng của nền dân chủ”, các quốc gia khác cũng đang cân nhắc quy định tương tự để “giải quyết thách thức tương tự”.

Đài truyền hình công cộng của Canada chỉ trích Meta “lạm dụng sức mạnh thị trường”, trong khi công ty truyền hình Canada (CBC) kêu gọi Meta hành động có trách nhiệm bằng cách khôi phục lại quyền truy cập tin tức của người Canada.

Các nhà báo và tòa soạn Canada cũng lên tiếng. Họ vốn đã yếu thế trước những ý tưởng bất chợt trong chính sách xuất bản của Meta, nay không còn hiện diện trên các nền tảng. “Cuộc chiến với Meta làm cho mọi việc ngày càng khó khăn hơn. Sinh kế của chúng tôi đang gặp nguy hiểm”, Christopher Curtis, đồng sáng lập dịch vụ The Rover đăng trên X (tiền thân là Twitter).

Australia là nước đầu tiên trên thế giới công bố Bộ quy tắc thương lượng truyền thông mới vào năm 2021, buộc Google và Meta trả tiền cho tin tức trên nền tảng. Dù ban đầu bị hai hãng phản đối dữ dội, nhà chức trách vẫn thông qua quy định có sửa đổi.

(Theo AFP, The Verge)