Brent Harris – Giám đốc quản trị và các vấn đề toàn cầu của Facebook – vừa công bố trên blog của Facebook một số chi tiết về Hội đồng Giám sát Độc lập của công ty. Cơ quan này sẽ có khả năng hủy bỏ quyết định của CEO Mark Zuckerberg.
Bài đăng có dẫn lời của CEO Facebook: “Nếu ai đó không đồng ý về những quyết định của tôi, họ có thể khiếu nại với công ty, sau đó kháng cáo lên hội đồng. Quyết định của hội đồng có hiệu lực với tôi hoặc bất kỳ ai tại Facebook. Hội đồng sẽ đại diện công ty ra thông báo về những quy định và giải thích rõ ràng các vấn đề theo cách bảo vệ quyền riêng tư của mọi người”.
Hội đồng này sẽ hạn chế quyền lực của Mark Zuckerberg. |
Hội đồng Giám sát Độc lập sẽ có 40 thành viên, làm việc với nhiệm kỳ 3 năm. Facebook đang chọn người đứng đầu, sau đó bổ sung những thành viên còn lại. Cơ quan này sẽ bắt đầu xem xét trường hợp khiếu nại từ đầu năm 2020, tập trung vào các vấn đề liên quan đến gỡ bỏ nội dung và những đề nghị thay đổi chính sách.
Về cơ bản, Hội đồng Giám sát là một nhánh nhỏ trong bộ máy hoạt động của Facebook, được thành lập để chịu trách nhiệm kiểm tra và cân bằng các quyết định trong nội bộ công ty. Cơ quan này sẽ đứng đầu trong quá trình ra quyết định, Hội đồng quản trị và những người có thẩm quyền khác xếp phía sau.
Nick Clegg – Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và các vấn đề toàn cầu tại Facebook cho biết: “Hội đồng Giám sát sẽ giúp Facebook cải thiện và có trách nhiệm hơn với những quyết định của mình. Chúng tôi hy vọng cơ quan này sẽ trở thành hình mẫu cho ngành công nghiệp truyền thông”.
Việc thành lập Hội đồng Giám sát Độc lập là một phần trong thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD giữa Facebook và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) hồi tháng 7. Trong đó, “gã khổng lồ truyền thông” buộc phải tái cơ cấu công ty và có một bộ phận chịu trách nhiệm cho các quyết định liên quan đến quyền riêng tư của người dùng.