Với người dùng thông thường, mạng xã hội có thể là thứ để giết thời gian nhưng với nhà chức trách Brazil, chúng là "vũ khí" trong cuộc chiến chống khủng bố tại Olympics 2016.

Vụ bắt giữ một số phiến quân Hồi giáocuối tuần trướctại Brazil là nhờ công của hai mạng xã hội Facebook và Twitter. Các phiến quân này bị buộc tội có âm mưu tấn công khủng bố.

Hai mạng xã hội lớn nhất thế giới trên đã bắt đầu cung cấp dữ liệu liên quan tới các cuộc hội thoại "có vấn đề" và cả vị trí nơi các post đó được đăng lên. Mặc dù đại diện Facebook và Twitter không bình luận về vụ bắt giữ, tuy nhiên cả hai mạng xã hội này đều công khai chính sách "nói không với khủng bố", đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp luật khi cần thiết.

Với mật danh "Chiến dịch Hashtag", cuộc điều tra chống khủng bố của cảnh sát Brazil sẽ đập tan các âm mưu tấn công nhắm vàoOlympics 2016 dự kiến khai mạc vào 5/8 tới. Những kẻ khủng bố bị bắt giữ ở trên có liên quan tới nhà nước hồi giáo tự xưng IS.

Thời gian gần đây, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Hồi đầu năm vừa rồi, các CEO của Twitter, Facebook, Microsoft và Google đã được triệu tới Nhà Trắng để thảo luận về cách thức ngăn chặn những kẻ cực đoan sử dụng mạng xã hội để liên lạc và lên kế hoạch tấn công khủng bố.

Nguyễn Minh (theo DigitalTrends)