Nguyễn Ngọc Long
Chuyên gia truyền thông
Khoe tiền, khoe xe, khoe cảnh đi vũ trường ăn chơi nhảy múa. Khoe cảnh đánh nhau, dằn mặt người này người khác. Phơi bày một phần cuộc sống "xã hội đen" vốn luôn nằm trong bóng tối.
Xét về mặt "kỹ thuật", đó là ba nội dung chính mà Khá Bảnh - hiện tượng mạng xã hội gần đây - đăng tải. Các nội dung này khi mang ra soi chiếu vào những quy tắc đạo đức của xã hội thì nhìn chung đều không phù hợp.
Thế nhưng, nó lại đánh thẳng vào sự hiếu kỳ, tò mò của tất cả mọi người, rất đúng và rất trúng tâm lý đám đông (đám đông nói chung chứ không chỉ là người trẻ). Đám đông có thể tỏ ra sợ hãi, nhưng rồi họ vẫn coi.
Tò mò, hiếu kỳ là bản tính của con người. Người ta thường hay rất thích đọc những tin về đời tư của người nổi tiếng hay tin tai nạn, giết chóc. Những clip đâm chém, va chạm giao thông có thật ngoài đời được quay lại bởi camera an ninh để đưa lên YouTube, Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác thu về lượt xem rất "khủng", dù đại đa số ý kiến cho rằng những hình ảnh này khiến họ "sởn da gà".
Do đó, Khá Bảnh có lượt theo dõi cao là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể đến việc nhân vật này luôn tỏ ra cực kỳ thân thiện và chăm tương tác với “fans” - hệt như phong cách của các ngôi sao.
Trên nhiều kênh truyền thông, người lớn bày tỏ sự lo ngại khi Khá Bảnh được giới trẻ tung hô như thần tượng. Nhưng có lẽ phải đính chính ngay rằng những bạn trẻ "hâm mộ" Khá Bảnh thuộc thế hệ 10x (hay còn gọi là GenZ) chỉ là thiểu số, chưa thể đại diện cho "giới trẻ" nói chung.
Thứ nhất, chỉ cần bằng cảm quan với một chút thời gian phân tích, sẽ thấy ngay rằng đa số tài khoản tương tác với nhân vật này trong các livestream rơi vào nhóm các bạn trẻ có điều kiện sống khá "đặc thù", nhận thức còn hạn chế và không ở các thành phố lớn (với chú ý rằng thông tin này được ra chỉ với mục đích thống kê).
Thứ hai, một số báo cáo về trào lưu trên mạng xã hội và tư duy của teen đã chỉ ra rằng: Thế hệ X (GenX, những người sinh năm 1961-1981) thường hướng về gia đình, dễ thỏa hiệp để làm vui lòng ba mẹ, tư duy và lối sống cũng mang tính truyền thống và ổn định. Thế hệ Y (GenY, hay còn gọi là thế hệ Millennials, sinh năm 1981 – 1991) có khuynh hướng tính cách nổi loạn, muốn thoát khỏi sự gò bó của các giá trị truyền thống.
Lượt theo dõi và xem Khá Bảnh trên mạng xã hội tuy nhiều nhưng số lượng người thực sự "hâm mộ" nhân vật này lại không đại diện cho "giới trẻ" nói chung.
Còn GenZ là nhóm có điều kiện sống khác, môi trường giao thoa văn hoá khác nên suy nghĩ và tiêu chuẩn cũng mang nhiều khác biệt. GenZ giàu thông tin, tri thức, thích nghi nhanh với các trào lưu quốc tế. Họ thông minh và thực chất chứ không không sống ảo như mọi người thường nghĩ.
Và điều này cũng góp phần định hình tính cách sáng tạo, dám nghĩ dám làm, biết lắng nghe, cởi mở và sẵn sàng kết nối với bố mẹ, với điều kiện bố mẹ cũng cởi mở và không áp đặt, không định kiến.
Vậy nên, lượt theo dõi và xem Khá Bảnh trên mạng xã hội tuy nhiều nhưng số lượng người thực sự "hâm mộ" nhân vật này lại không đại diện cho "giới trẻ" nói chung. Có chăng, chỉ mới dừng lại ở việc "theo dõi" mà thôi.
Đừng phủ nhận vùng tối của chính chúng ta
Câu hỏi đặt ra là, ảnh hưởng việc nổi tiếng bất thường của Khá Bảnh với GenZ có đáng lo không? Theo tôi là có.
Thế nhưng, nguyên nhân không phải do giới trẻ đang quan tâm đến một nhân vật "nhảm nhí", mà dường như chính người lớn chúng ta đang không thực sự hiểu GenZ khi cho rằng mối quan tâm của họ là "nhảm nhí".
Sẽ rất có vấn đề nếu chúng ta cứ khăng khăng cố tình phủ nhận sức ảnh hưởng của những người như Khá Bảnh, "sản phẩm" sinh ra từ vùng tối của truyền thông xã hội. Đó là nơi mọi thứ không bị kiểm soát gắt gao như ở truyền thông chính thống, và những mong muốn thầm kín của con người có môi trường phát lộ ra ngoài.
Chủ đề mà Khá Bảnh đang khai thác không có gì mới. Ở khía cạnh nào đó, nó cũng nhiều hấp lực như tình dục, mại dâm và ma tuý. Vậy nên, phủ nhận Khá Bảnh chính là phủ nhận vùng tối của chính chúng ta.
Thay vì loay hoay tìm cách phủ nhận sức ảnh hưởng của nhân vật này, nhà trường và các bậc cha mẹ hãy thử chủ động xem các clip của Khá Bảnh nhiều hơn. Việc này không phải là cổ xúy, mà đó là cách tốt (ít nhất ở điều kiện hiện nay) để tìm cách hiểu và bảo vệ con em mình bằng những định hướng mà phụ huynh cho là đúng đắn.
Rất cần có quy định cụ thể từ cơ quan quản lý trong nước về cảnh báo trong các clip "kiểu như Khá Bảnh" để những bạn trẻ có nhận thức chưa chín chắn đừng học và làm theo.
Cũng như câu chuyện tranh cãi mấy chục năm qua rằng có nên lảng tránh, "ngó lơ" trước những thắc mắc của các em ở độ tuổi vị thành niên về tình yêu và tình dục.
Coi đó là "vùng cấm" mà "trẻ con" không được tìm hiểu nhiều, bàn tán công khai, hay chủ động "vẽ đường cho hươu chạy đúng" bằng cách trang bị cho các em những kiến thức khoa học, phù hợp để tự bảo vệ bản thân mình?
Rồi người lớn cũng đã nhận ra rằng, khi chưa được trang bị những kiến thức về giới tính, thì những hoài nghi, thắc mắc của các em sẽ được trí tò mò thôi thúc để tự tìm hiểu và khám phá.
Đó là lúc các em rời xa vòng tay cha mẹ, không còn coi gia đình là nơi đáng tin cậy để học hỏi đầu tiên. Thứ tiếp theo mà các em tìm đến sẽ là kho thông tin khổng lồ không được kiểm soát của web đen, mạng xã hội với nhiều cạm bẫy.
Thế nên, trong khi những nhân vật như Khá Bảnh còn đang "tung hoành" trên Internet và GenZ có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin này ở nhiều kênh, thì cách tốt hơn cả là cha mẹ, thầy cô, nhà trường phải có sự gần gũi, chia sẻ cần thiết, và có sự hiểu biết đầy đủ để các em tin tưởng rồi coi như bộ lọc đầu tiên khi bắt đầu nảy sinh hoài nghi, thắc mắc. Rằng Khá Bảnh nhìn có vẻ có “hấp lực" thật đấy, nhưng liệu nhân vật này có thực sự đáng để học hỏi theo không, và có mối nguy nào tiềm ẩn hay không?
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội nước ngoài như YouTube hay Facebook còn chưa - thậm chí chưa muốn - làm hết trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung độc hại, rất cần có quy định cụ thể từ cơ quan quản lý trong nước về cảnh báo trong các clip "kiểu như Khá Bảnh" để những bạn trẻ có nhận thức chưa chín chắn đừng học và làm theo.
Và rõ ràng, YouTube và Facebook cũng cần quyết liệt hơn trong vấn để kiểm soát nội dung độc hại trên nền tảng của mình.
Chỉ khi gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay thì mới có thể đưa ra được một giải pháp căn cơ để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi cái ác từ trong "vùng tối".