Chủ tịch FPT Trương Gia Bình |
Ông Trương Gia Bình cho biết: “Đến năm 2020, chúng tôi muốn tăng số lượng nhân viên tại Nhật Bản 2,5 lần lên khoảng 3.000 người và doanh thu lên 500 triệu USD”. Ông còn nói thêm FPT đang cân nhắc một số thương vụ thâu tóm tại đây.
Nhật Bản là thị trường quan trọng với FPT, đem về 60% doanh thu phần mềm từ thị trường nước ngoài. Cánh tay của FPT tại Nhật Bản, FPT Japan Holdings, gần đây tuyển mới khoảng 100 kỹ sư mỗi tháng.
Ngoài nhân lực bản địa, FPT còn muốn bồi dưỡng các kỹ sư Việt Nam thành thạo tiếng Nhật. Tại đại học FPT, công ty đưa ra các chương trình dạy tiếng Nhật bên cạnh các lĩnh vực khác như kỹ sư CNTT. FPT cũng hợp tác với các trường tiếng Nhật và có kế hoạch mở một trường riêng tại Nhật Bản vào năm sau.
Theo ông Bình, ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất khi các công ty nước ngoài gia nhập thị trường Nhật Bản. “Đặc biệt, trong thế giới phần mềm, bạn cần hiểu chính sách nhu cầu của khách hàng. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Á khác nhưng tại Nhật Bản, bạn không thể kinh doanh nếu không có trình độ tiếng Nhật cao”.
FPT đang tìm cách tận dụng nhu cầu CNTT đang tăng nhanh từ các doanh nghiệp Nhật Bản, được thúc đẩy bởi các yếu tố như chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo 2020. Theo IDC Japan, năm 2017, doanh nghiệp Nhật Bản đã chi 16,84 nghìn tỷ yen (149 tỷ USD) đầu tư liên quan đến CNTT như phát triển hệ thống, trung tâm dữ liệu, xếp thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc.
Ông Bình còn có kế hoạch để FPT Japan xử lý hoạt động của công ty tại Trung Quốc và Hàn Quốc nhờ vào kinh nghiệm phong phú. Ông cho biết Trung Quốc và Hàn Quốc là các khu vực đang tập trung để tăng trưởng tại châu Á và đang ở giai đoạn đầu dù đã bắt đầu hoạt động khoảng 2 năm trước.
Khi được hỏi về cạnh tranh trong lĩnh vực outsource tại Nhật Bản, ông nêu tên Tata Consultancy Services và Infosys của Ấn Độ là hai đối thủ chính từ góc độ chi phí.