- Không ai có thể tưởng tượng người "tử tế" nhưng "yếu đuối", 30 năm đứng sau lưng "vợ" - bà Ségolène Royal, cựu ứng viên tổng thống nữ đầu tiên vào được vòng 2 năm 2007 - lại đi đến được điện Élysée.
Ông François Hollande đã "chờ đợi" 30 năm để đến được vị trí chính trị ngày hôm nay. Từ thành viên của hội sinh viên cánh tả UNEF cho đến đảng Xã hội. 30 năm nằm dưới "bóng" của các chính gia cánh tả nổi tiếng như cố tổng thống François Mitterrand, cựu bộ trưởng Jack Lang và Dominique Strauss-Kahn, các cựu thủ tướng Laurent Fabius, Lionel Jospin, Pierre Mauroy.
30 năm đứng sau lưng "vợ", bà Ségolène Royal, cựu ứng viên tổng thống nữ đầu tiên vào được chung kết năm 2007 đối đầu không thành công với ông Nicolas Sarkozy. Gọi là "vợ" vì ông Hollande và bà Royal có với nhau 4 người con nhưng chỉ sống chung, không chính thức cưới. Lý do: cả hai đều là đại biểu quốc hội trong khi điều lệ không cho phép vợ chồng làm đại biểu chung nhiệm kỳ.
Ngay buổi tối vòng chung kết bầu tổng thống năm 2007, sau khi có kết quả, François Hollande và Ségolène Royal tức khắc công bố chia tay, sau 27 năm chung sống. Thật ra, hai người đã ly thân hơn 1 năm. Từ 2006, François Hollande bắt đầu sống với bà Valérie Trierweiler-Massonneau, một nhà báo chuyên về đảng Xã hội của tạp chí nổi tiếng Paris-Match.
Tại quảng trường Bastille, Tổng thống đắc cử của Pháp cám ơn người dân đã bầu ông. Đứng cạnh ông là nhà báo Valérie Trierweiler, người vừa tuyên bố ‘cần thời gian suy nghĩ về vai trò đệ nhất phu nhân’. Ảnh: Le Parisien |
Chính trị gia kín đáo
Trong lịch sử chính giới Pháp hiện đại, François Hollande và Ségolène Royal là cặp vợ chồng duy nhất làm chính trị. Vừa là bạn đời, vừa là đối thủ trong đảng Xã hội với những tham vọng lớn. Nhưng trong tình huống cạnh tranh về chức vụ, nhiều lần ông Hollande đã tự lẩn vào hậu trường nhường vợ mình ra sân khấu dưới ánh đèn vinh quang. Xã hội và văn hóa Pháp vẫn còn tồn tại phong cách gia trưởng. Phải hung hăng, phải nổi bật trước quần chúng mới là đàn ông. Làm chính trị phải cư xử kiểu "cá mập" mới là có bản lĩnh. Chính giới nói chung và đồng nghiệp của ông nói riêng đánh giá sự nhún nhường này là "yếu đuối" hay "nhu nhược".
Ông François Hollande mang nặng "nhãn hiệu" thiệt hại này trong dư luận cho đến vài tháng trước cuộc bầu cử vừa qua. Nếu bà Ségolène Royal là người quan trọng trong đời tư và trong sự nghiệp chính trị của ông, sự chia tay của họ đã làm thay đổi hoàn toàn phong cách và định mệnh chính trị của François Hollande. Từ tư cách kín đáo, từ khuynh hướng làm việc tập thể, ông bắt đầu tự khẳng định nhiều hơn và không ngần ngại dùng chữ "tôi" khi phát biểu trước công chúng.
Và nếu ông Dominique Strauss-Kahn không bị dính líu tới bê bối tình dục khiến không thể ứng cử được, thì François Hollande cũng không thành tổng thống ngày hôm nay. Định mệnh, định mệnh...
Người tử tế
Tác giả của bài viết này đã nhiều lần có cơ hội gặp, phỏng vấn ông François Hollande và bà Ségolène Royal. Năm 2005, một lần ở thành phố La Rochelle, bên bờ Đại Tây Dương, bên lề cuộc phỏng vấn, bà Ségolène Royal thở dài chia sẻ: "Ông đã nhiều lần quên buổi tiệc sinh nhật của tôi. Trong khi cả nhà ngồi chờ ăn, thay vì về nhà, ông đi đến một đài phát thanh để phân tích cả giờ đồng hồ về thái độ rõ rệt của người làm chính trị".
Hay quên? Có thể. Tử tế? Chắc chắn. Đầu năm 2011, François Hollande tỏ ý muốn tham gia tranh cử tổng thống 2012, các phóng viên đổ xô đến Quốc hội, nơi ông là đại biểu. Một phóng viên ảnh còn rất trẻ, cộng tác viên cho một tờ báo nhỏ e dè không dám chen với các đồng nghiệp lừng lẫy. Cuối buổi, anh rón rén đến xin phép chụp riêng François Hollande, nhưng không hy vọng gì. Bất ngờ, ông nói: " Tôi đồng ý. Anh cần bao nhiêu thời gian để tôi sắp xếp?". Sau khi cảm ơn anh phóng viên đã chụp ảnh xong, François Hollande leo lên... một chiếc xe máy 125cc, tự lái đi ăn trưa.
Nhiều thử thách sẽ đến
Trong khi chờ đợi chính thức chuyển quyền tổng thống từ tay ông Nicolas Sarkozy ngày 15/6, François Hollande đã cất chiếc xe máy vào nhà để xe, giảm cân được 15 kg, sẽ công bố danh sách thành viên của chính phủ mới.
Cách đây vài ngày, ông tâm sự: "Nếu tôi trúng cử, tới một ngày nào đó, công dân Pháp sẽ đánh giá nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Tôi muốn nghe lúc đó là nhiệm kỳ của tôi đã thích đáng, chính trực, mẫu mực và công bằng. Chữ "công minh chính trực" sẽ là phương châm xử thế của tất cả hành động của tôi và của chính phủ"!
Từ gia đình trung lưu đến lý tưởng cánh tả François Hollande sinh năm 1954 ở thành phố Rouen, vùng Normandie, trong một gia đình trung lưu. Ông lớn lên ở quận Neuilly, ngoại ô Paris, một trong những quận sang trọng và giàu nhất nước Pháp. Cha ông, một bác sĩ, có xu hướng chính trị cực hữu, trong khi mẹ ông, một cố vấn trợ cấp xã hội, lại tranh đấu cho bên trái của cánh tả. Trong gia đình ông, thường xuyên bữa tối trở thành một "chiến trường chính trị" sôi động. Từ nhỏ, ông đã phải phát triển chiến thuật "dung hòa" để có thể "sống sót" giữa cuộc đấu này. Chiến thuật đó đã đặt dấu ấn lên cá tính và rèn luyện cho chính trị gia tương lai phong cách chính trị thiên tổng hợp, dung hòa, biết chờ thời và thích đạt kết quả qua thỏa thuận chung. Tổng thống đắc cử của Pháp là cử nhân luật, tốt nghiệp HEC, Trường quản lý kinh doanh hàng đầu của Pháp, tốt nghiệp Trường Khoa học chính trị Paris (Sciences-Po) và Trường Hành chính quốc gia (ENA) năm 1980. Khi còn là sinh viên, ông đã tham gia các hoạt động chính trị và gia nhập đảng Xã hội từ năm 1979. Ông Hollande từng làm cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Mitterrand. Năm 1997, ông trở thành lãnh đạo đảng Xã hội và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 1 thập kỷ. Tuy vẫn tiếp tục hoạt động chính trị, ông Hollande rời chính phủ năm 1984 và hành nghề luật sư chuyên kinh tế tài chính, giảng viên về kinh tế học ở Viện khoa học chính trị Paris (Sciences-Po) đến năm 1991. Ông chưa từng đảm nhiệm một vị trí nào trong chính phủ Pháp. |
Võ Trung Dung (từ Paris)