Đó hoàn toàn không phải một câu khẳng định theo kiểu chém gió cho vui, mà bản thân những nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh một thực tế không thể chối cãi: Những người có chơi game sẽ có năng lực nhận thức tốt hơn, từ đó thành tích học tập cũng sẽ cao hơn so với những người không bao giờ chơi game.
Trên thực tế thì theo nhiều nghiên cứu thì chơi game mang lại rất nhiều lợi ích, chứ không phải là những tác dụng mang nhiều tính 'tưởng tượng' trên đây của các vị phụ huynh. Rõ ràng nhất và được tất cả mọi người công nhận chính là phát triển các kỹ năng mềm như khả năng xử lý nhiều việc cùng lúc, tăng cường sự nhận thức, nắm bắt tình huống nhanh hơn, tập trung tốt hơn, chuyển đổi giữa công việc hiệu quả và đặc biệt là sự quyết đoán.
Không những vậy, mới đây một nghiên cứu của trường Đại Học Princeton và Rochester tại Mỹ còn chỉ ra rằng việc chơi game, cụ thể là các game hành động tốc độ cao, còn có lợi ích bất ngờ là giúp trẻ nhỏ có khả năng học hành tốt hơn!
Theo chia sẻ của người đứng đầu nhóm nghiên cứu Daphne Bavelier thì sở dĩ chơi game giúp học tập tốt hơn bởi các trò chơi điện tử giúp não bộ của bạn có khả năng xây dựng khác khối hình, hiện tượng dễ dàng hơn dựa trên các 'mẫu' có sẵn trong thế giới ảo, từ đó giúp mọi người có thể dự đoán trước những gì sẽ xảy ra nhanh hơn. Ngoài ra, tại sao lại là game hành động? Bởi các game này có tiết tấu nhanh, đòi hỏi người chơi suy nghĩ nhanh hơn và tất nhiên là cũng sẽ có câu trả lời nhanh hơn.
Vậy thì tại sao vẫn có những bậc phụ huynh đổ lỗi cho game khi thành tích học tập của con em họ không được như mong đợi? Thực chất lỗi không nằm ở game, mà chính là ở cách những game thủ còn đang trong độ tuổi cắp sách tới trường quá chìm đắm vào thế giới game. Một lần nữa phải khẳng định lại, chơi game không xấu, thứ khiến cho người chơi bị phụ thuộc, ảnh hưởng đến cuộc sống thực lại chính là cách chơi game không khoa học, quá sa đà vào game, và tệ hơn cả chính là nghiện game.
Trên thực tế, việc từ bỏ một thói quen hàng ngày là rất khó. Hơn thế nữa, nếu đó lại là thói quen mà bạn yêu thích nữa thì lại càng khó bỏ. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều game thủ khó có thể bỏ game để chuyển sang học được.
Hãy thử hình dung, thường ngày, bạn thường chơi game sau giờ tan học thì nay, bạn đành phải từ bỏ thói quen ưa thích đó để chuyển sang ngồi vào bàn học.
Nhiều người thường lầm tưởng rằng họ có thể vừa học vừa chơi. Tuy nhiên, đây lại là quan niệm hết sức sai lầm vì sau khi chơi game, với ý nghĩ quen thuộc "chơi xong rồi học" nhưng trên thực tế thì lại là "chơi xong rồi... ngủ". Việc chơi game khiến trí não của bạn phải hoạt động căng thẳng hơn cả việc học, khiến cho sau hàng giờ chơi game trước máy tính, bạn thường cảm thấy mệt mỏi và chỉ muốn đi ngủ. Thậm chí, nếu sau đấy bạn có cố gắng ngồi vào bàn học thì cũng khó có thể tập trung cao độ để tiếp thu kiến thức.
Có thể thấy, việc chuyển đổi thói quen từ chơi game sang học bài là rất gian nan, không chỉ bởi việc chơi game đã trở thành một thói quen khó bỏ, mà còn bởi tính chất của nó. Chơi game thì sướng, học thì khổ... Điều này đã trở thành quan niệm của không ít học sinh hiện nay và điều này khiến cho việc học của các game thủ càng trở nên gian nan, vất vả hơn.
Dẫu vậy, việc thay đổi thói quen từ chơi game sang việc học không phải là không thể thực hiện được. Chỉ có điều, các game thủ cần phải thay đổi thói quen này từ sớm, trước một khoảng thời gian dài chứ không nên đến lúc chỉ còn vài tháng nữa là thi đại học mới bắt đầu ngồi vào bàn ôn luyện.
Trong khi đó, việc thi đại học tại Việt Nam (và tại rất nhiều nước trên thế giới) đều rất khó căn. Các câu hỏi được đưa ra đa phần đều vượt xa độ khó của những kiến thức bạn nắm được qua Sách giáo khoa. Do vậy, bạn cần phải có quá trình ôn luyện thật đầy đủ và kĩ càng trước khi bước vào kỳ thi này.
Từ những lý do trên, có thể thấy việc nghỉ chơi game để thi đại học là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu có đủ cố gắng, bạn vẫn có thể dễ dàng, thoải mái thi đỗ đại học. Vấn đề quan trọng ở đây là ta nên sắp xếp thời gian hợp lý, tạm nghỉ chơi game để tập trung ôn luyện thi đại học trước một khoảng thời gian dài (nên nghỉ trước khoảng 1 năm đến 6 tháng, tùy lực học) cũng như lựa chọn trường đại học phù hợp với học lực của mình.