Cầm tấm giấy mời Điều còn mãi 2017, nhạc sĩ Trần Trọng Hùng mỉm cười “Bản Giao hưởng Ba-lê của tôi mang tên đầy đủ là Trở lại với Điện Biên, tôi rất muốn bổ sung chữ 'Với' này cho đưa con tình thần của mình".


{keywords}

"Năm 1992 Bộ Quốc Phòng có đặt hàng viết tác phẩm nhân dịp hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên. Tôi dành 6 tháng tập trung vào dự án này. Tôi luôn nghĩ Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son của lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, từ chiến thắng lẫy lừng này nhân dân ta thoát xiềng nô lệ và xây dựng nền Độc lập tự do", nhạc sĩ chia sẻ.

Ông nhớ lại: "Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, tôi được cử lên Nghĩa Lộ làm cán bộ âm nhạc cho Đoàn Văn công đi sưu tầm dân ca miền núi. Những năm tháng ở Nghĩa Lộ tôi hiểu thêm được kho báu dân ca, đặc biệt dân ca Thái. Do đó khi viết bản Bản Symphony số 2 Trở lại với Điện Biên tôi lấy chất liệu từ dân ca Thái, có cả cái bảng lảng không gian Tây bắc với hoa ban, sương mù lan tỏa có cái nguyên sơ miền Tây bắc.…".

Bản giao hưởng Ba-lê Trở về với Điện biên gồm 4 chương

Chương 1: Allegretto mang tựa “Phủ định của phủ định”
Chương 2: Andate cantabile mang tựa “Trở về”
Chương 3: Largo molto tranquillo mang tựa: “Tình yêu”
Chương 4: Allegro non troppo mang tựa: “Mùa Xuân”

Nhạc sĩ Trần Trọng Hùng chia sẻ: "Trong đó chương 2 có điều đặc biệt: nhịp của chương này là 2/4, ¼ và 2/4 khá khó biểu diễn, nhưng các nhạc trưởng nước ngoài rất thích. Nhớ lần trong buổi hòa nhạc Hữu nghị Việt - Nhật tại Nhà hát lớn (ngày 11/9/2004) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Housei Soken và Dàn nhạc giao hưởng Ryukyu và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã trình bày giao hưởng này, Dàn nhạc Giao hưởng Ryukyu – Nhật Bản chơi cùng dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam rất thành công. Khi bản Giao hưởng này được biểu diễn ở Seoul, giới âm nhạc Hàn Quốc đã đánh giá cao chương này".

Nhạc sĩ Trần Trọng Hùng đặc biệt yêu thích nhạc sĩ Igor Fyodorovich Stravinsky. Ông luôn tìm học tư duy sáng tạo phong phú, hình thức tác phẩm, tiết tấu, màu sắc dàn nhạc, ngôn ngữ điệu thức-hòa thanh độc đáo của nhạc sĩ Nga này. Trong chương trình Điều còn mãi 2017, Dàn nhạc Giao Hưởng Quốc gia dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ trình bày chương 2 này.

Nhạc sĩ Trần Trọng Hùng sinh ngày 1 tháng 8 năm 1943, quê ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Ông nguyên là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 11 tuổi, ông học đàn accordéon, sau học violon tại trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, ông được cử lên Nghĩa Lộ làm cán bộ âm nhạc cho Đoàn Văn công đi sưu tầm dân ca miền núi. Năm 1969, về học khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. 

Năm 1975, Trần Trọng Hùng tốt nghiệp với vũ kịch Mở rừng sau đó ở lại làm giảng viên bộ môn Sáng tác. Năm 1980, ông đi tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Đến 1983, ông là Phó Chủ nhiệm khoa Sáng tác - Lý Luận – Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội. Năm 1994, ông là Phó Giám đốc Nhạc viện. Năm 1997, nhạc sĩ chuyển sang làm Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 2005 ông chuyển sang làm Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Ngoài việc giảng dạy, Nhạc sĩ Trần Trọng Hùng còn viết nhiều tác phẩm khí nhạc, trong đó có các tác phẩm viết cho dàn nhạc thính phòng, dàn nhạc giao hưởng như: giao hưởng thơ, symphonie ballet. Ông đã nhận nhiều giải thưởng và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú: Giải Nhất Giao hưởng thính phòng hợp xướng1990-1993; Giải Xuất sắc Văn học - Nghệ thuật và Báo chí về đề tài lực lượng vũ trang. 1994; Giải Nghệ thuật ở Berlin, 1996, Biennal Music Berlin.

{keywords}

Hòa nhạc Điều còn mãi 2017 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào 14h ngày 2/9/2017, tiếp sóng trên VietNamNet. 

Nguyễn Phú Cương