Tại Hội nghị triển khai Đề án đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh này đề ra mục tiêu giai đoạn 2024 - 2026 sẽ đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động này góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, mở ra cánh cửa thoát nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân.
Trước đây, không ít bà con tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) còn e ngại việc đi lao động theo diện hợp đồng có thời hạn (xuất khẩu lao động) do phải xa người thân, gia đình, lại phải làm quen môi trường mới, phải học định hướng, hay thiếu vốn... Nhưng nay, Buôn Đôn đã trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh về số người đi xuất khẩu lao động, mở ra cánh cửa thoát nghèo đa chiều, bền vững.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện Buôn Đôn có 50 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 22 lao động nữ. Ngành nghề làm việc chủ yếu như: sản xuất thiết bị điện tử, cơ khí, xây dựng… Một số gia đình có từ 2-3 người tham gia lao động tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Đầu năm 2024, anh Hoà Quang Thuận ở thôn Hà Bắc (xã Ea Wer), một lao động trẻ thuộc diện hộ nghèo được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. Gia đình anh cho biết quá trình chuẩn bị đi xuất khẩu lao động được hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ, chi phí đào tạo nghề, đi lại. Để nguyện vọng được đi xuất khẩu lao động thành hiện thực, hộ nghèo này được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay hơn 90 triệu đồng.
Tin vui là, đến cuối năm nay, nhờ mức thu nhập ổn định bằng công việc lắp ráp ống nước, trung bình mỗi tháng, anh Nhuận gửi về cho gia đình từ 15 – 20 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh có thêm kinh phí trả nợ ngân hàng, không những thế còn dành dụm chi phí để trang trải cuộc sống, dự kiến sửa sang lại nhà cửa. Gia đình mong sẽ từng bước thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
7 tháng đầu năm 2024, huyện Cư M’gar có 59 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng, nhiều nhất là tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; làm việc chủ yếu ở các ngành nghề: cơ khí, xây dựng, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện đánh giá nhu cầu và số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài của huyện có xu hướng tăng. Nhiều lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức thu nhập khá, đã gửi tiền về phụ giúp gia đình thoát nghèo, tích lũy vốn để khởi nghiệp hoặc có việc làm tốt hơn sau khi về nước.
Trong giai đoạn 2024 – 2026, huyện Krông Bông phấn đấu đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động dân tộc thiểu số... Trong năm 2024, huyện đã đưa 36 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (30 người).
Người lao động của huyện làm việc chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các nước Trung Đông... Mức thu nhập bình quân từ 28 - 40 triệu đồng/người/tháng tùy theo trình độ, tay nghề, công việc, từ đó giúp một bộ phận người lao động trên địa bàn huyện có việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Đây cũng là nguồn lực để an sinh xã hội, đóng góp hiệu quả vào tiến trình giảm nghèo của huyện.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk thông tin, 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, còn có hơn 200 lượt lao động đi làm việc theo thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương.
Đổi mới phương thức truyền thông, vận động
Những câu chuyện vui như gia đình anh Thuận không còn hiếm trên hành trình giảm nghèo ở huyện Buôn Đôn hay nhiều địa phương tại Đắk Lắk. Cái nhìn tích cực của người dân về xuất khẩu lao động đã dần thay đổi sau thời gian miệt mài, kiên trì và đổi mới trong tuyên truyền của cả hệ thống chính trị.
Tại huyện Buôn Đôn, ngoài cung cấp thông tin theo cách truyền thống tại các bảng thông tin, địa phương còn sử dụng mạng xã hội (như Zalo, Facebook) để chia sẻ thông tin về lao động, thị trường xuất khẩu lao động. Công tác tư vấn việc làm, cập nhật thông tin việc làm ở các thị trường ngoài nước để người lao động dễ dàng tiếp cận, lựa chọn công việc phù hợp được đẩy mạnh.
Huyện cũng chủ động rà soát, lập danh sách các lao động có tiềm năng để tập trung tuyên truyền, cập nhật, thông báo các thông tin về thị trường lao động.
Qua rà soát, nắm bắt tâm tư, cán bộ chuyên môn sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khi xuất khẩu lao động. Từ đầu năm đến nay, có 6 trường hợp thuộc hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Buôn Hồ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 635 triệu đồng.
Trong khi đó, tại huyện Krông Bông, trong năm 2024, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại 13 xã, thị trấn trên toàn huyện với khoảng 900 người tham gia; tổ chức Hội nghị tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động tại buôn Cư Păm (xã Dang Kang), thôn Noh Prông và buôn Tliêr (xã Hòa Phong).
Song song với các hoạt động tư vấn, vận động người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo các đơn hàng tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức (tổ chức hội nghị, phát tờ rơi, bản tin phát thanh…), huyện cũng tích cực thông tin các chính sách hỗ trợ đối với lao động tham gia làm việc ở nước ngoài (chi phí đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, hỗ trợ vay vốn…). Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, đặc biệt người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn đăng ký tham gia.