W-thach-thao-16-2.jpg

Tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào quản lý, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tối giản thủ tục hành chính, đồng thời, tăng chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là tạo được bước đột phá trong công tác quản lý. Bệnh viện này trở thành một điểm sáng trong chuyển đổi số trong y tế tại Hà Nội thời gian qua.

W-thach-thao-19.jpg

Để đảm bảo việc tiếp đón và khám đúng hẹn, bệnh viện tích hợp 3 trong 1 vào hệ thống  phần mềm quản lý bệnh viện (HIS): Hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng Autocall; kết nối HIS-Tổng đài; tự động chuyển từ Text sang Voice và gọi điện cho bệnh nhân; đăng ký khám chữa bệnh qua tổng đài. Số hóa đã cho phép bệnh viện chuyển đổi linh hoạt giữa quy trình tiếp nhận người bệnh: khám theo hẹn và khám thông thường.

Đến nay, hơn 80% người bệnh đến khám đúng hẹn.

W-thach-thao-15-5.jpg

Thành công của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang bắt đầu từ việc Ban Giám đốc và đội ngũ y bác sĩ nơi đây nhận thức sâu sắc rằng chuyển đổi số là chìa khoá giải quyết nhiều vấn đề: giảm sức lao động; hỗ trợ bệnh nhân trong khám chữa bệnh, đặc biệt là giúp Bệnh viện đánh giá được quy trình nào tốt nhất để thực hiện; giúp hạch toán tốt hơn, khi minh bạch số liệu, biết rõ giá trị từng công việc; đánh giá đúng từng vị trí, từ đó quản trị tốt hơn, tiết kiệm chi phí. 

W-thach-thao-7-4.jpg

Đến nay, bệnh viện Đa khoa Đức Giang là nơi có số lượng bệnh nhân đăng ký khám Face ID và thanh toán không dùng tiền mặt thuộc nhóm nhiều nhất miền Bắc.

W-thach-thao-14-4.jpg

Thông tin bệnh nhân được tìm kiếm bằng cách quét mã QR. Thông tin hồ sơ bệnh án khám chữa bệnh được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu.

W-thach-thao-11-3.jpg

“Gần nửa năm nay, thay vì ôm từng chồng bệnh án khi thăm khám từng bệnh nhân tại giường, mỗi bác sĩ chỉ cần cầm điện thoại cài “App đi buồng”. Đây là thiết bị cho phép truy cập, rà soát thông tin nhanh từ lịch sử điều trị, dị ứng thuốc, ra y lệnh ngay tại giường bệnh và cập nhật ngay lên bệnh án bệnh nhân thay vì ghi chép. Bệnh nhân cũng được xem kết quả chiếu chụp, siêu âm, xét nghiệm ngay trên ứng dụng này”, bác sĩ Đinh Thế Tiến cho biết.

W-thach-thao-10-3.jpg

Mỗi bệnh nhân vào điều trị nội trú cũng đều được cấp vòng đeo tay gắn kèm mã số (QR code). Với "app đi buồng", bác sĩ chỉ cần quét QR code để rà soát thông tin của từng trường hợp để thăm khám.

W-thach-thao-9-3.jpg

Số hóa, quản lý bệnh nhân bằng mã số điện tử giúp bác sĩ giảm bớt phần lớn thời gian ghi chép, tìm kiếm thông tin bệnh nhân. Ngoài ra, chỉ cần một mã số bệnh nhân kèm lời mời hội chẩn, các bác sĩ tại khoa khác có thể truy cập hệ thống để nắm bắt thông tin bệnh án, xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn ngay, thay vì phải có giấy mời hội chẩn kèm tóm tắt bệnh án gửi tận tay.

W-thach-thao-3-4.jpg

TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.700-2.000 bệnh nhân đến khám, gần 900 giường nội trú hầu như luôn kín. Trước đây, khi chưa ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, bệnh viện này cũng không thoát khỏi tình trạng quá tải đặc biệt vào đầu giờ sáng, đầu tuần ở khu khám bệnh, quầy thuốc và khu vực thanh toán.

W-thach-thao-2-4.jpg

Trong 4 năm (2018-2022), lượng bệnh nhân đến với viện tăng gấp đôi trong khi số nhân viên y tế và bàn khám không đổi. Hiện hoạt động số hóa đã đáp ứng được 85% các quy trình vận hành trong bệnh viện. 

W-thach-thao-18-3.jpg

Các phòng khám cũng thiết lập ca làm việc sáng chiều. TS Thường cho biết điều này giúp tỷ lệ khám sáng - chiều được cân đối lại. Thay vì dồn 80% vào buổi sáng, trong khi buổi chiều chỉ 20%, tỷ lệ này giờ đây là 45:55. Bệnh nhân khám ngoại trú nếu thực hiện cả xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, điện tim đồ, nội soi…, sẽ mất tổng cộng 1,5 giờ thay vì hơn 3 tiếng như trước.

W-thach-thao-17-3.jpg

Bệnh viện cũng xóa bỏ hoàn toàn việc xếp số tại quầy phát thuốc. Như vậy, thời gian cấp phát thuốc cho người bệnh từ khoảng 12 phút xuống còn hơn 1 phút.  

Lê Thị Thạch Thảo, Phạm Hữu Hải, Lê Anh Dũng