Phiên giao dịch sáng 22/4, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn tiếp tục giảm mạnh thêm khoảng 5,2%, xuống còn 5.500 đồng/cp sau khi DN này công bố báo cáo tài chính lỗ trong quý 1/2020 và đón nhận thông tin giá dầu thế giới xuống thấp lịch sử.

Trong 5 tháng qua, cổ phiếu này đã giảm 50% và hơn 2 năm qua cổ phiếu này đã giảm tới khoảng 82%, từ mức giá 31.300 đồng/cp chào sàn ngày 1/3/2018 xuống còn 5.500 đồng/cp như hiện tại.

Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận mức lỗ hơn 2,3 ngàn tỷ đồng trong quý 1 do giá dầu lao dốc khiến hàng tồn kho của doanh nghiệp này giảm giá mạnh.

BSR hiện đang vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Doanh nghiệp có quy mô vốn tỷ USD này chịu thiệt hại kép từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới và giá dầu thô trong quý 1 lao dốc hơn 70%, từ mức trên 68 USD/thùng hồi đầu năm xuống mức dưới 18 USD/thùng vào cuối quý 1/2020.

Hàng tồn kho lớn khiến BSR phải gửi hàng đến kho lưu trữ cũng khiến chi phí tăng vọt. Việc vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng là một mối lo đối với doanh nghiệp này khi mà giá dầu biến động tiêu cực.

Trong 2 phiên vừa qua, giá dầu tụt giảm. Giá dầu giao tháng 5 xuống mức âm. Giá dầu giao tháng 6 hiện cũng đang tiếp bước thảm họa với việc tụt giảm từ mức 20 USD phiên trước xuống dưới ngưỡng 13 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 6 cũng xuống quanh 18-19 USD/thùng.

{keywords}
Giá dầu trong phiên 21/4 lần đầu tiên xuống dưới 0 USD/thùng.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc giá dầu giảm.

Ông lớn Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) chứng kiến giá cổ phiếu giảm từ mức trên 100 ngàn đồng xuống vùng 60 ngàn đồng trong vòng 5 tháng qua. Vốn hóa của doanh nghiệp này bốc hơi khoảng 4 tỷ USD.

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng bị ảnh hưởng do giá dịch vụ giảm theo giá dầu. Cổ phiếu PVS giảm sàn 9,3% trong phiên 21/4 và tiếp tục giảm khoảng 2,6% đầu giờ sáng 22/4.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân bón có dấu hiệu được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm.

Cổ phiếu Đạm Phú Mỹ (DMP) tăng điểm khá mạnh đầu giờ sáng 22/4, lên mức giá cao nhất trong 6 tháng qua: 15.150 đồng/cp. DN này ghi nhận lợi nhuận quý 1 tăng gấp đôi cùng kỳ lên 105 tỷ đồng nhờ giá khí đầu vào thấp và doanh thu vẫn tăng trưởng ổn định. 

Nhiều cổ phiếu phân bón khác cũng tăng giá mạnh nhờ nguyên liệu đầu vào giảm, như: Đạm Cà Mau (DCM), Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa sinh (HSI), CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), Phân bón Bình Điền (BFC), Phân bón Miền Nam (SFG)...

Trên thế giới, giá dầu đang chịu áp lực rất lớn. Cho dù mức giá âm đã không còn do các hợp đồng giao tháng 5 đã hết hạn và thay vào đó là các hợp đồng giao tháng 6, nhưng giá vẫn đang chiều hướng đi xuống. Giới đầu tư vẫn lo ngại về khả năng dư cung lớn, cầu thấp và thế giới không còn không gian lưu trữ dầu, trong khi các nhà khai thác nhiều khả năng không đóng cửa dừng khai thác do chi phí vận hành lại sẽ rất tốn kém.

Giá dầu giao tháng 6 tụt giảm 40% trong phiên đêm qua xuống còn khoảng 12 USD/thùng. Nhiều dự báo cho thấy, thế giới sẽ chứng kiến hàng trăm, thậm chí cả ngàn doanh nghiệp khai thác dầu sẽ phải đóng cửa nếu giá duy trì ở mức 10-20 USD trong vòng 1 năm tới.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 22/4, chỉ số VN-Index giảm nhẹ sau áp lực khá mạnh đầu phiên. Chỉ số này hiện đang ở mức 760 điểm.

Phần lớn các cổ phiếu blue-chips quay giảm giá. Một số cổ phiếu trụ cột tăng điểm trở lại như: Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ), Vietinbank (CTG), MBBank (MBB), Hòa Phát (HPG), Sabeco (SAB), Masan (MSN).

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo Rồng Việt, nhà đầu tư đồng loạt xả hàng trong bối cảnh các chỉ số đã chạm các ngưỡng kháng cự mạnh và kết quả kinh doanh quý I kém khả quan của các doanh nghiệp đã bắt đầu lộ diện. Mặc dù lực cầu giá thấp đã hấp thụ khá tốt nhưng xu hướng tăng đã bị lung lay đáng kể. Các phiên tăng điểm mang tính phục hồi kỹ thuật sẽ là cơ hội để nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/4, VN-Index giảm 21,13 điểm xuống 766,84 điểm; HNX-Index giảm 4,99 điểm xuống 104,7 điểm. Upcom-Index giảm 1,46 điểm xuống 51,18 điểm. Thanh khoản đạt 7,0 ngàn tỷ đồng.

V. Hà