Tội phạm buôn bán người ngày càng tinh vi

Vài năm trở lại đây, tội phạm mua bán người trên địa bàn Thành phố Hà Nội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, hình thành các đường dây tội phạm mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Đối tượng tội phạm nhằm tới chủ yếu là nữ giới, ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, đa số là người ngoại tỉnh. Nạn nhân bị mua bán qua biên giới chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), phần lớn phụ nữ khi bị bán sang Trung Quốc là để làm vợ hoặc đưa vào các ổ mại dâm.

{keywords}
Truyền thông đến các gia đình việc bảo vệ con em mình trước tệ nạn buôn người. 

Đặc biệt, tội phạm còn lợi dụng công nghệ thông tin như điện thoại di đông, internet (chat trên các mạng xã hội, game...) để tán tỉnh các cô gái, giả vờ yêu đương, kết bạn rồi dụ dỗ lên biên giới đi mua hàng hóa, đi chơi, hoặc tìm việc làm... Sau đó chúng đưa nạn nhân qua biên giới rồi bán cho các đối tượng xấu, để ép bán dâm hoặc đưa vào các cở sở sản xuất, kinh doanh để bóc lột sức lao động, ép làm những công việc nặng nhọc, bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục, không được trả lương hoặc trả lương rất thấp và không cho về Việt Nam.

Nạn nhân khi đã bị lừa bán thường khó được phát hiện, giải cứu trở về  (Từ năm 2012 đến tháng 6 năm 2021, Hà Nội đã phát hiện, khám phá 52 vụ mua bán người, mua bán trẻ em, bắt giữ 111 đối tượng, có 111 nạn nhân bị lừa bán; trong đó có 44 vụ mua bán người, mua bán trẻ em sang Trung Quốc (chiếm 85,7% tổng số vụ khám phá). Khởi tố 52 vụ án, 107 bị can).

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền

Mặc dù Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND Thành phố, các Sở, ngành, địa phương của Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa nạn mua bán người, kiên quyết đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người, song việc phòng, chống buôn bán người rất cần vai trò tích cực từ phía các gia đình.

Theo đó, gia đình có ý nghĩa then chốt trong giáo dục, bảo vệ thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Gia đình còn là thành trì vững chắc để bảo vệ trẻ em trước những rủi ro, nguy cơ bị xâm hại và tội phạm mua bán người.

Do vậy, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền tới từng thành viên trong gia đình, người dân về  thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng, người dân cần nêu cao cảnh giác để tự phòng ngừa.

Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại, internet của các cháu; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, quản lý.

Đồng thời, các bậc phụ huynh luôn quan tâm chia sẻ, lắng nghe con em mình; tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, tỉnh táo, cảnh giác, thận trọng với các mối quan hệ xã hội; Nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, quản lý, phòng tránh bị các đối tượng mua bán người lợi dụng lừa gạt.

Song song đó, người dân cần nắm được các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, tránh để tội phạm lợi dụng, trở thành người tiếp tay, giúp sức, đồng phạm với tội phạm mua bán người.

Gia đình là nền tảng bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người và bảo vệ các thành viên trước tội phạm mua bán người.

Các gia đình cần cung cấp thông tin cho thành viên về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người. Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người.

Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng. Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.

Minh Phúc