Quyền tự quyết của mỗi thành viên trong gia đình

Để mỗi gia đình được “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp, vấn đề mấu chốt vẫn là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình về vai trò, vị trí của gia đình, của việc xây dựng hệ giá trị gia đình đối với sự phát triển của mỗi con người cũng như của đất nước, từ đó biến thành những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng, gìn giữ “tổ ấm” của chính mình.

w-anh-man-hinh-2024-01-22-luc-113808-1-1.png

Theo quan sát của GS.TS Nguyễn Hữu Minh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, hiện nay ở nhiều gia đình, người vợ vẫn đảm nhiệm chủ yếu công việc nội trợ, bên cạnh công việc bên ngoài; đồng thời gánh nặng các công việc gia đình của người vợ chưa được người chồng đánh giá đúng mức. Việc cùng lúc gánh vác cả công việc bên ngoài và công việc gia đình khiến cho nhiều phụ nữ bị giảm sút sức khỏe, không có thời gian dành cho việc nghỉ ngơi, giải trí, từ đó hạn chế sự phát triển của phụ nữ cũng như làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ chồng.

Một vấn đề quan trọng thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình là quyền tự quyết. Cho đến nay, người chồng vẫn thường là người giữ vai trò quyết định đối với một số công việc quan trọng trong gia đình. Với những việc lớn trong gia đình, vai trò quyết định của người đàn ông, người chủ gia đình vẫn là một thứ chuẩn mực ít được thay đổi. Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ phản ánh sự bất bình đẳng, đồng thời không thể hiện được tình yêu thương giữa hai vợ chồng.

Trong thực tế hiện nay, bạo lực của người chồng vẫn còn rất nghiêm trọng ở Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp các giá trị gia đình 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trong thời kỳ mới hiện nay, điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể; gia đình đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của mình; nhiều giá trị quý báu của gia đình Việt Nam không ngừng được duy trì và phát huy; giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được coi trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, các chức năng của gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi, tác động đến các giá trị của gia đình.

Để phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trở thành nền tảng quan trọng để xây dựng chuẩn mực con người và các hệ giá trị Việt Nam phải đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp các giá trị gia đình thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm về phát triển gia đình… Qua đó cũng để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, thi đua xây dựng các gia đình văn hóa tiêu biểu mẫu mực.

Để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các thành viên trong gia đình phải luôn gắn bó, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đối diện khó khăn cùng nhau. Trong cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng có niềm vui, nỗi buồn đan xen, sự quan tâm, lời động viên đúng lúc, đúng chỗ của những người thân sẽ là điểm tựa, là động lực tinh thần quan trọng để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình phải luôn là chỗ dựa vững chắc, là động lực để mỗi thành viên vươn lên trong cuộc sống.

Văn Công và nhóm PV, BTV