Ghi nhận tại các chợ ở Hà Nội cho thấy, tất cả các hàng bán
giá đỗ đều không rõ được nguồn gốc và giải thích được chất lượng giá.
TIN BÀI KHÁC
Muốn mua giá sạch cũng chịu
Có mặt tại chợ đầu mối nông sản Mai Dịch đối diện đường Lê Đức Thọ lúc 5 giờ
sáng, theo quan sát của chúng tôi có tới hơn chục hàng phân phối giá cho các chợ
trong nội thành và các vùng lân cận. Mỗi tiểu thương đều có khoảng chục cân giá
đỗ mơn mởn, đang nhanh thoăn thoắt chia ra thành từng túi để đóng gói cho khách
hàng.
Theo ghi nhận của PV tại các chợ đầu mối nông sản Mai Dịch, 1 số chợ
cóc và chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như Đồng Xa, Nghĩa Tân, Ngã Tư Sở, chợ Hôm…
các hàng bán giá đỗ đều có chung 1 đặc điểm là thân giá rất dài mập, trắng, ít
rễ, … (đây là những đặc điểm mà theo bật mí của dân làm giá đỗ và các chuyên gia
là loại giá có dùng thuốc kích thích - pv).
|
Thật khó để người tiêu dùng nhận biết đâu là giá sạch, giá bẩn
|
Tại chợ đầu mối Mai Dịch (đối diện đường Lê Đức Thọ, Mai Dịch, Cầu Giấy), giá đỗ
ở đây được các hàng phân phối tới các quán ăn, quầy rau nhỏ của các chủ buôn
trong chợ nội thành với giá từ 8.000 – 10.000 đồng/lạng, tùy theo biến động của
giá nguyên liệu làm giá đỗ.
Sau một hồi ra sức “quảng cáo” giá đỗ của hàng mình đẹp mắt, thân trắng, ít rễ,
xào không ngót, chủ hàng giá tên Tiến xua chúng tôi đi hàng khác vì phóng viên
đòi tìm mua giá sạch theo tiêu chuẩn (thân hơi mảnh, nhiều rễ…).
“Tôi chỉ là người bán, cũng lấy lại của cơ sở sản xuất buôn nên chẳng biết là họ
ngâm thuốc hay thế nào. Nếu thiện ý thì đặt hàng còn lo thuốc nọ kia thì đi hàng
khác, chỗ nào cũng thế thôi”, chị Tiến nói.
Còn tại quầy chị Hoa, khi chúng tôi đề cập đến việc tìm mua giá sạch với số
lượng lớn chị Hoa cho biết: “Muốn đặt giá sạch thì giá sẽ phải cao hơn vì bản
thân chị Hoa lại phải cất công vào làng dặn nhà sản xuất giá làm riêng. Còn giá
bán hàng ngày là do thu mua ào ào để bán buôn buổi sáng, để lâu giá sẽ nẫu thì
lỗ vốn”.
Chị Hoa nói: “Em muốn giá sạch thì chị phải lấy lên 1.000 đồng/lạng chứ không có
cái giá 800 đồng/lạng đâu, vì chị phải cất công đi dặn kỹ càng tận làng người ta
làm giá. Chứ ở đây toàn thu mua ào ào để bán nhanh trong buổi sáng, phòng nó nẫu
ra thì ai mua nữa”.
Khi chúng tôi băn khoăn sao giá lại nhanh nẫu thế, chị Hoa cũng chỉ cho biết:
Giá ủ đến độ chín thì giữ được lâu, còn loại được ngâm nhanh để kịp bán thì dễ
hỏng hơn. Còn bí quyết ngâm nhanh và phúng phính ở thân thì chị Hoa cũng chịu,
“cái đó phải hỏi người sản xuất may ra mới biết” - Chị Hoa nói thêm.
Tương tự, khi chúng tôi khảo sát tại các chợ bán lẻ ở 1 số khu vực Hà Nội thì
đều nhận được câu trả lời của người bán là lấy hàng từ mối buôn, quan trọng là
giá đỗ đẹp mắt và cũng không có lựa chọn nào khác nên không thể trả lời chính
xác là giá “bẩn” hay giá sạch, chỉ biết “ai cũng ăn loại giá này cả, chính gia
đình người bán cũng ăn loại này thôi, không còn loại nào khác cả. Nếu đòi mua
giá sạch thì tự về nhà ngâm lấy”.
Người tiêu dùng đã có tinh thần “cảnh giác” ?
Sau khi có những thông tin về giá ủ hiện nay tại các chợ đều có thuốc kích thích,
nhiều gia đình đã bắt đầu hạn chế rồi chấm dứt hẳn ăn giá để “phòng còn hơn ăn
phải”.
|
Để tránh giá bẩn, nhiều gia đình đã tự ủ giá tại gia
|
Tại một cửa hàng bún, phở trên đường Láng khi chúng tôi bước vào quán trong vai
là khách hàng ăn trưa. Cũng là lúc nhân viên vừa rửa sạch một túi giá khá lớn
vừa được lấy ra từ tủ lạnh, thoạt trông số giá chuẩn bị được phục vụ các thực
khách khá tươi ngon, nhìn kỹ thấy mỗi cây giá đều khá ú đặc biệt ở phần thân.
Lấy cớ đi rửa tay, pv đã tận mắt chứng kiến thêm 2 rổ giá ít hơn đang được chuẩn
bị rửa. Tận mắt từng sợi giá, điều dễ nhận thấy là không có rễ và thân khá ngắn,
hơi mập.
Sau một lúc lân la câu chuyện, chị chủ quán tiết lộ: “Giá đỗ này là do chủ quán
đặt ở chợ đầu mối, cứ buổi sáng sẽ có người đưa đến tận nơi. Chuyện giá đỗ nào
có thuốc, giá đỗ nào không chị không rõ, nhưng có 2 mức giá khác nhau, mình kinh
doanh thì phải nhập loại rẻ để người ăn còn đỡ tiền ra”.
Theo chân chị Tân (Phường Mai Dịch – Quận Cầu Giấy) đi mua thực phẩm ở chợ Đồng
chúng tôi được chị cho biết: “Giá đỗ là món ăn bổ, lành và được gia đình chị
thường xuyên sử dụng khoảng 3 lần/tuần. Trước đây chị vẫn mua tại các hàng rau ở
chợ, nhưng từ khi đọc báo thấy có thuốc SHS là chị không dám mua giá nữa. Lúc
nào muốn ăn thì mua hạt đỗ về tự ủ. Mỗi lần ủ cất tủ lạnh cũng dùng được 2 lần.
Cách ủ giá cũng không khó”.
Còn chị Cảnh (Nhân viên kiểm toán) khá bận rộn, công việc của chị gần như chiếm
hết quỹ thời gian trong ngày. Nên gia đình không thể tự ủ giá bằng những cách
được các bà mẹ trẻ truyền nhau trên các diễn đàn online. Cho nên, thỉnh thoảng
chị vẫn “cắn răng” mua giá, dù với số lượng ít để cho vào một số món ăn cho hợp
khẩu vị quen thuộc của chồng và cậu con trai.
Chị Cảnh bày tỏ: “Bây giờ, thức ăn chứa chất lạ nhan nhản ra, mình cố ăn ít đi
mới hi vọng được sống thêm. Ăn nhiều quá là tích thêm thuốc vào người. Chứ bây
giờ mà tránh hết thì chắc không còn thức ăn nào trên mâm cơm ngoại trừ nước mắm
và bột canh”.
Thậm chí trên diễn đàn Webtretho, một bà mẹ có nickname là minhtrangvn đã cho ý
kiến: “Chuyện dùng thuốc để làm giá đã có từ rất lâu rồi. Hồi năm 1999, người
quen của mình đi học làm giá ở Tp Hồ Chí Minh đã biết và nói rằng ko có lò giá
nào mà ko dùng thuốc”.
Vì nỗi lo thường trực về chất lượng của giá đỗ, hưởng ứng theo sự hướng dẫn của
đồng nghiệp, chị Minh Trang (Trần Thái Tông – Quận Cầu Giấy) đã cất công để học
hỏi kinh nghiệm tự ủ giá và làm giá. Với kinh phí không lớn, cứ mỗi lần có nhu
cầu về giá đỗ để chế biến các món ăn, chị và chồng lại cặm cụi chuẩn bị nguyên
liệu và các dụng cụ cần thiết để cho ra từng mẻ giá trong sau 5-6 ngày chăm sóc.
“Cái quan trọng là có được giá sạch để ăn, đi mua tiện thì tiện thật nhưng chị
không yên tâm. Trả tiền cho người bán, tự nhiên được một túi giá bẩn thì phí
phạm lắm. Làm thế này, ăn vừa ngon mà không có lo lắng gì cũng đủ khỏe người rồi”
– Chị Trang vui vẻ nói.
(Theo VTC News)