Thông tin tại tọa đàm “Số liệu Thống kê và Truyền thông Chính sách” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, để triển khai những chỉ tiêu mới, ngành thống kê đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như kinh tế số, logistics, sắp tới đây là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…

Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, bà Hương cũng thẳng thắn cho biết, trong quá trình triển khai hoạt động, ngành thống kê vẫn gặp những bất cập cần được khắc phục như số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế.

Quang cảnh tọa đàm “Số liệu Thống kê và Truyền thông Chính sách”.

Trước câu hỏi của báo chí về việc rau, hoa quả, lương thực, thực phẩm ở thị trường tăng liên tục, vì sao Tổng cục Thống kê vẫn công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “đẹp như mơ”? 

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, đối với người làm công tác thống kê, không có con số đẹp, cũng không có con số xấu, chỉ có con số phản ánh trung thực về tình hình kinh tế - xã hội.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, bình quân CPI cả nước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Oanh, mặt hàng lương thực, thực phẩm có tăng nhưng tăng không quá cao. Chỉ số giá lương thực tăng 3,77%; chỉ số giá thực phẩm tăng 3,8%; giá thịt lợn tăng hơn 1%... Nguyên nhân việc lương thực, thực phẩm giá tăng không cao chủ yếu do nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tăng không cao.

"Về phương pháp tính CPI, chúng tôi áp dụng đúng hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, đảm bảo tính so sánh với quốc tế. Để tính được CPI, chúng tôi phải xác định được danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đại diện phổ biến của người dân, gọi là “rổ” hàng hóa.

Hiện nay, tổng số mặt hàng đại diện trong rổ hàng hóa là 752 mặt hàng. Căn cứ vào đó, xây dựng danh mục hàng hóa, mạng lưới điều tra giá cho từng địa phương. Mạng lưới là cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... 

Bên cạnh đó, ngành thống kê cũng xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong danh mục hàng hóa hay còn gọi là quyền số. Để tính được quyền số, chúng tôi phải khảo sát mức sống dân cư ở 63 địa phương.

Hàng tháng, 63 địa phương với hơn 2.000 điều tra viên tiến hành điều tra ở hơn 40.000 điểm điều tra giá. CPI thực hiện 3 kỳ một tháng.

Bà Oanh cũng cho biết, hiện nay, cơ quan thống kê đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử (CAPI). Từ đó, hệ thống điều tra giá tốt hơn, phản ánh xác thực hơn nữa chất lượng của cuộc điều tra, cũng như tình hình giá cả trên thị trường.

Liên quan đến việc hủy sự kiện công bố quy mô dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, tại tọa đàm tọa đàm “Số liệu Thống kê và Truyền thông Chính sách”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết: Theo tính toán đến tháng 4, dân số Việt Nam đạt quy mô 100 triệu người. Tổng cục Thống kê đã trình Thủ tướng để tổ chức công bố sự kiện. Tổng cũng cũng trao đổi với các bộ ngành và được thống nhất cao.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, thời điểm chuẩn bị thực hiện công bố, Bộ Công an đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ cho phép tạm hoãn tổ chức sự kiện này.

Hiện tại dữ liệu dân cư ở Bộ Công an đã cập nhật là trên 100 triệu người.