Với quan điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai đã xây dựng chương trình triển khai linh hoạt với 03 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. 

Về Phát triển chính quyền số, mục tiêu đặt ra là chương trình MTQG xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 

Về Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Về Phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa).

Tỉnh phấn đấu xây dựng thành công mô hình thí điểm “Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai” triển khai tại xã Biển Hồ, thành phố Pleiku.

6. Gia Lai.jpg
Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. 

Thông tin từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Gia Lai cho biết: Đến nay 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 triển khai thực hiện tại địa phương với lộ trình và mục tiêu cụ thể. Toàn tỉnh đã được phủ sóng điện thoại (2G), Internet băng rộng di động (3G, 4G); 100% xã đã được kết nối cáp quang đến trung tâm. 

Tính đến cuối năm 2023, theo số liệu báo cáo từ Cổng Dịch vụ công của tỉnh và dịch vụ công liên thông đã có: 95/182 (52%) xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về “Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành” theo Bộ tiêu chí về xã NTM; 100% xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 về “Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên” theo Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao; 100% cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 về “Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên” theo Bộ tiêu chí về huyện NTM. 

Kế hoạch và một số giải pháp trọng tâm trong năm 2024, tỉnh Gia Lai đặt ra là triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “xã nông thôn mới thông minh Biển Hồ”. Kết quả thực hiện mô hình này là tiền đề để triển khai các mô hình do tỉnh chỉ đạo tại địa phương trong những năm tiếp theo. Tỉnh sẽ lựa chọn, phê duyệt danh sách các mô hình thí điểm xã, thôn NTM thông minh trên địa bàn tỉnh theo từng lĩnh vực gồm có: Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; giáo dục và đào tạo; văn hóa; du lịch; cảnh quan môi trường; an ninh trật tự, đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó là phổ biến tài liệu hướng dẫn, tập huấn về chuyển đổi số, áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tài liệu về phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia chuyển đổi số để góp phần xây dựng NTM hiệu quả, bền vững; tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý nhà nước, khả năng tiếp cận thông tin cho cán bộ xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã), người dân và cộng đồng nông thôn.

Huệ Anh