Sắp tới, các dự án chung cư sẽ được đánh giá, phân hạng A,B,C theo nhiều nhóm tiêu chí nhằm xác định giá trị chung cư, qua đó áp dụng mức giá bán, giá dịch vụ quản lý chung cư... khác nhau.
Theo dự thảo về phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư, việc xếp hạng chỉ dành cho chung cư thương mại và tái định cư mà không xếp hạng đối với chung cư là nhà ở xã hội. Yêu cầu đối với chung cư được phân hạng phải phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, có giấy phép xây dựng.
Việc phân hạng và công nhận nhà chung cư được thực hiện theo đề nghị của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư và được thực hiện đối với từng chung cư độc lập đã được bàn giao và đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2015 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực). Đối với những chung cư đã được bàn giao và đưa vào sử dụng trước ngày 1/7/2015, nếu có đề nghị phân hạng phải có sự thống nhất của các chủ sở hữu và có văn bản đề nghị của ban quản trị chung cư.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng hầu hết doanh nghiệp đều tự nhận dự án của mình là chung cư cao cấp, tự ấn định giá bán tương ứng, nên thứ hạng đó không có uy tín và không được công nhận. Vì vậy, việc phân hạng nhằm đưa hoạt động quản lý nhà chung cư chuyên nghiệp cũng như việc xác định giá trị nhà chung cư rõ ràng hơn.
"Khi nhà chung cư được phân hạng cao, giá trị của nó cũng cao hơn và ngược lại. Việc phân hạng cũng là làm cơ sở cho các bên thỏa thuận mức giá dịch vụ vận hành khu nhà ở", ông Hà nói.
Việc chung cư có thứ hạng rõ ràng trong thời gian tới, theo các chuyên gia, sẽ tác động khiến giá căn hộ có biến động lớn. Chẳng hạn một nhà chung cư chưa gắn “sao” được nâng lên hạng A, giá chắc chắn sẽ tăng lên, giá dịch vụ cũng theo đó tăng lên.
“Việc phân hạng như cúp danh hiệu vậy, hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp. Nếu nhà chung cư được công nhận hạng cao, thì sẽ nâng cao uy tín xây dựng của chủ đầu tư và các đơn vị quản lý vận hành. Việc công nhận sẽ được công bố rộng rãi trên website của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng”, ông Khởi nói.
Ông Khởi còn cho rằng phân hạng là việc liên quan đến quyền lợi của các bên đối với dự án bất động sản. Theo tinh thần dự thảo, DN cần công nhận chất lượng thì tự nguyện thực hiện, không bắt buộc. Dự kiến Bộ Xây dựng sẽ phải làm việc nhiều hơn, để dự thảo thông tư được ban hành trong quý 1/2016, được đón nhận và là cú hích cho thị trường.
Theo Trí thức trẻ