Đêm ngày 16/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã giảm một mạch từ vùng giá trên 1.810 USD/ounce xuống dưới mốc 1.800 USD/ounce. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hai tuần trở lại đây.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc giá vàng bất ngờ giảm nhanh có thể xuất phát từ động thái chốt lời của giới đầu tư trong bối cảnh giá đang duy trì đỉnh giá cao nhất 9 năm qua.
Ông Andrew Naylor, Trưởng bộ phận ASEAN của Hội đồng Vàng Thế giới, nhận định trợ lực của vàng vẫn còn rất nhiều, nhất là trong môi trường lãi suất cực thấp và tình trạng bất ổn kinh tế hiện nay.
Có xảy ra 'bong bóng vàng'?
Ông Andrew Naylor, Trưởng bộ phận ASEAN của Hội đồng Vàng Thế giới. |
"Đây là thời điểm điên rồ của thị trường vàng và không ai biết đến bao giờ mới chấm dứt. Chúng ta đang ở trong một bong bóng", ông Michael Novogratz, CEO kiêm Chủ tịch Galaxy Digital, bình luận.
Thực tế cho thấy trong các cuộc khủng hoảng tài chính, giá vàng thường giảm mạnh sau khi có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế và thị trường chứng khoán theo hướng leo dốc. Chẳng hạn, giá vàng giảm gần 40% vào giai đoạn 2011 - 2015.
Tuy nhiên, theo ông Boris Schlossberg, Giám đốc điều hành chiến lược tại BK Asset Management, sự tăng giá của vàng trong cuộc khủng hoảng hiện tại diễn ra rất trật tự và ổn định. "Đây sẽ là cuộc đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư tại thời điểm này", ông nói thêm.
Giới quan sát bình luận giá vàng khó lao dốc thẳng đứng ngay cả với kịch bản tìm ra vaccine chống Covid-19 và sức khỏe nền kinh tế Mỹ phục hồi.
Ông Naylor của Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng các nguyên nhân giúp vàng tăng giá trong cả ngắn hạn và dài hạn là tình trạng bất ổn của nền kinh tế và thị trường toàn cầu do dịch Covid-19, môi trường lãi suất cực thấp và khả năng lạm phát cao.
"Điều đó dẫn đến việc giới đầu tư trên khắp thế giới tìm cách giảm thiểu rủi ro", ông giải thích.
Số liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy các quỹ ETF vàng ghi nhận dòng vốn chảy vào trong 7 tháng liên tiếp. Mức nắm giữ vàng của các quỹ này đã đạt mức cao kỷ lục 3.621 tấn.
Theo ông Naylor, vàng hiện là một tài sản có tính thanh khoản cao với mức giao dịch 150 tỷ USD/ngày. Trong năm nay, kim loại quý vượt trội so với tất cả tài sản lớn khác. Nó cũng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả, giảm tổn thất khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Trú ẩn an toàn khi các chính phủ đồng loạt bơm tiền
Các ngân hàng trung ương và chính phủ trên khắp thế giới đã thực hiện những biện pháp kích thích chưa từng có. Điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát trong dài hạn khiến giá trị của tiền pháp định bị xói mòn.
Theo ông Michael Howell, CEO của Crossborder Capital, việc ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng bơm tiền vào thị trường là "ma thuật" đối với kim loại quý.
Ông dự đoán giá vàng có thể tăng tới 50% trong 18 tháng tới để đạt ngưỡng 2.500 USD/ounce.
Việc các ngân hàng trung ương bơm tiền vào thị trường là "ma thuật" đối với giá vàng. Ảnh: Reuters. |
Theo giới quan sát, CPI của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp và cho phép FED bơm thêm tiền vào nền kinh tế để giúp chống lại các tác động từ đại dịch.
Vào tháng trước, thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 864 tỷ USD vì phản ứng bất thường của chính phủ liên bang với dịch Covid-19. Điều này cũng giúp hỗ trợ kim loại quý.
Thêm vào đó, con đường phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mờ mịt. Số người nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới tiếp tục tăng lên gần 14 triệu người, 592.677 người tử vong.
"Trong môi trường này, lãi suất có thể vẫn ở mức thấp, thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn. Với bối cảnh đó, vàng là một tài sản được ưa chuộng", người đứng đầu hoạt động ASEAN tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định.
Theo ông, vàng có thể giúp cải thiện lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro của danh mục đầu tư.
Ông Peter Boockvar thuộc Tập đoàn tư vấn Bleakley nhận định giá vàng được điều chỉnh theo lạm phát sẽ chạm ngưỡng cao kỷ lục. Theo ông, mức giá 850 USD/ounce năm 1980 sẽ vào khoảng 2.600 USD/ounce trong năm 2020 sau khi được điều chỉnh theo lạm phát.
Giá vàng tăng trên thị trường quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường địa phương trên toàn cầu. "Thị trường vàng London (London Gold Market) và Sàn Giao dịch vàng New York (COMEX) sẽ là những người tạo lập giá (price maker), trong khi các thị trường địa phương là người chấp nhận giá (price taker)", ông Ronan Manly, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại BullionStar (Singapore), giải thích.
Đà tăng của vàng thế giới kéo giá vàng trong nước tăng cao. Ảnh: Việt Hùng. |
Vì vậy, giá vàng quốc tế cao sẽ dẫn đến giá vàng địa phương cao hơn. Hiện tại, vàng tăng giá đối với gần như toàn bộ tiền tệ trên khắp thế giới, bao gồm thị trường Đông Nam Á và Việt Nam.
Theo ông Andrew Naylor tại Hội đồng Vàng Thế giới, vàng đóng vai trò tài chính quan trọng đối với các hộ gia đình Việt Nam. Việt Nam là thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất ASEAN. Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam chạm ngưỡng 56,4 tấn trong năm 2019.
"Việt Nam là một trong 10 thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới. Dịch Covid-19 có tác động mạnh đến nhiều mặt của nền kinh tế. Các cửa hàng trang sức bị đóng cửa, người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn", ông Naylor nhận định.
"Tuy nhiên, Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Điều này có nghĩa là nền kinh tế của Việt Nam sẽ có tốc độ phục hồi nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới", ông nói thêm.
Ông cũng trích dẫn đánh giá của Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về tác động của dịch Covid-19. Theo đó, Việt Nam có thể là nền kinh tế tốt nhất Đông Nam Á trong năm nay.
(Theo Zing)