Từ đỉnh lịch sử 2.685 USD/ounce thiết lập ngày 26/9, giá vàng rớt xuống sát ngưỡng 2.600 USD/ounce hôm 9/10, sau đó tăng trở lại trong phiên cuối tuần qua và đầu tuần mới.
Tới đầu phiên 14/10, trên thị trường New York (tối 14/10 giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 2.650 USD/ounce (tương đương khoảng 80,7 triệu đồng/lượng).
Trong 2-3 tuần qua, áp lực chốt lời đối với vàng khá lớn. Đây được xem là yếu tố ngăn cản đà tăng của vàng.
Trong nước, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn biến động ít theo quy luật và giao dịch bất thường. Vàng miếng SJC treo ở mức cao 83-85 triệu đồng/lượng (mua-bán) trong một tuần qua, còn giá vàng nhẫn tiếp tục leo thang.
Trong phiên 14/10, giá vàng nhẫn vọt lên mức cao kỷ lục mới. Mỗi lượng vàng thương hiệu Doji tăng thêm 350.000 đồng lên mức 82,95 triệu đồng/lượng (mua) và 83,85 triệu đồng/lượng (bán).
Dù mức giá vàng ở vùng cao lịch sử nhưng giao dịch lại trầm lắng. Việc mua bán vàng miếng SJC khó khăn. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để kiểm soát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Hiện chênh giá vàng miếng SJC với thế giới chỉ khoảng 4 triệu đồng/lượng, so với mức cao hơn thế giới tới 18-19 triệu đồng/lượng hồi đầu năm.
USD không suy yếu nhanh như kỳ vọng
Trên thế giới, giá vàng chịu áp lực từ sự thận trọng của giới đầu tư chuyên nghiệp trên phố Wall cũng như sự suy giảm lạc quan của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên phố Main của Mỹ, khi vàng đã tăng gần 27% kể từ đầu năm. Khảo sát của Kitco cho thấy điều này.
Một đồng USD bất ngờ tăng 2% trong hai tuần đầu tháng 10 đã kìm hãm đà tăng của vàng. Về trung và dài hạn, USD được xem vẫn trong xu hướng giảm theo tín hiệu giảm dần lãi suất cho tới năm 2026 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Vàng theo đó cũng được đánh giá ở trong xu hướng đi lên.
Dù vậy, một nền kinh tế Mỹ khá mạnh mẽ, cùng với tốc độ giảm lãi suất của Mỹ có thể chậm lại và sự suy giảm của nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới đã hỗ trợ USD.
Gần đây, nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ,... đẩy mạnh tốc độ nới lỏng tiền tệ, nhiều nơi còn nhanh hơn Mỹ.
Dòng tiền tìm đến đồng USD và tiền số (trong đó có Bitcoin) thay vì vàng khi giá vàng leo thang và chứng khoán Mỹ cũng liên tục lập kỷ lục. Bên cạnh đó, dòng tiền rập rình tìm kiếm cơ hội ở những đợt hồi phục mạnh của thị trường cổ phiếu Trung Quốc.
Nhiều nền kinh tế lớn khác, trong đó có Trung Quốc, gặp khó khăn. Cú bơm tiền của Bắc Kinh nhằm vực dậy kinh tế cũng giúp đẩy USD lên, qua đó cản trở đà tăng của vàng dù tình hình chiến sự tại Trung Đông vẫn nóng rực.
Dù vậy, dường như hiện nay không có kênh đầu tư nào thực sự hấp dẫn vượt trội. Dòng tiền có thể dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư phổ biến, trong đó có vàng, chứng khoán Mỹ, chứng khoán Trung Quốc, đồng USD, Bitcoin...
Giới đầu tư đang chờ quyết định của Fed trong cuộc họp tháng 11 cũng như cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Trump và bà Harris hôm 5/11 tới. Chủ nhân mới của Nhà Trắng được dự báo đều sẽ tăng cường bơm tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nếu ông Trump thắng, đồng USD có thể giảm nhanh hơn do cựu tổng thống Mỹ ủng hộ cả đồng USD yếu và quyền kiểm soát chính trị đối với Fed.
Tuy nhiên, khả năng đồng USD giảm sâu (qua đó khiến giá vàng tăng mạnh) được xem là thấp, bởi không chỉ vì sức mạnh của nền kinh tế Mỹ mà còn ở cả mục tiêu duy trì quyền lực mềm của Washington. Ông Trump trước đó từng cho biết sẽ áp thuế 100% lên hàng hóa của các quốc gia từ bỏ đồng USD nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ.