Giá xăng dầu trong nước hôm nay 26/7/2024

Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 26/7 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 25/7 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, giá các loại xăng dầu đều được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng giảm.

Cụ thể, giá xăng E5 giảm 270 đồng/lít, giá bán là 21.900 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 290 đồng/lít, giá bán còn 22.880 đồng/lít. 

Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít, giá bán về mức 20.190 đồng/lít.
Còn giá dầu hỏa giảm 340 đồng/lít, giá bán về mức 20.320 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 25/7 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 22.880 - 290
Xăng E5 RON 92-II 21.900 - 270
Dầu diesel 20.190 - 310
Dầu hỏa 20.320 - 340

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 26/7/2024 

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 26/7 tiếp đà đi lên từ phiên trước.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, vào lúc 8h53' ngày 26/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 82,57 USD/thùng, tăng 0,24% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 78,47 USD/thùng, cũng tăng 0,24% so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 25/7, giá dầu tăng nhẹ sau khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên kỳ vọng về nhu cầu dầu thô cao hơn.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 25/7, giá dầu thế giới có thời điểm đã giảm rất mạnh. Có lúc, giá dầu Brent về mức 80 USD/thùng, giá dầu WTI xuống mức 76 USD/thùng.

Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 21h13' ngày 25/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 80,37 USD/thùng, giảm 1,64% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,32 USD/thùng, cũng giảm 1,64% so với phiên liền trước.

gia xang dau 1 1538 1166.jpg
Giá xăng dầu hồi phục. Ảnh: Punchg

Giới phân tích cho rằng, giá dầu lao dốc do lo ngại về nhu cầu yếu và kỳ vọng về thỏa thuận ngừng bắn sắp tới ở Trung Đông.

Giới đầu tư e ngại suy thoái kinh tế ở Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới) sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu.

Lượng dầu thô được giao tới Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, giảm trong tháng 6 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Việc này cũng tác động tiêu cực lên giá dầu.

Thêm vào đó, triển vọng về các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas cũng khiến giá dầu đi xuống.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết đã nhận được kế hoạch khắc phục tình trạng khai thác dầu mỏ quá mức của Iraq, Kazakhstan và Nga.

Theo đó, ba nước này sẽ điều chỉnh sản lượng để bù trừ cho việc đã khai thác quá cam kết trong nửa đầu năm 2024.

OPEC cho hay, toàn bộ khối lượng khai thác quá mức của ba nước trên là 2,28 triệu thùng/ngày.

Tháng 6 vừa qua, cuộc họp các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ cam kết cắt giảm sản lượng. Tại cuộc họp này, OPEC+ quyết định gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng hiện tại ít nhất đến quý III/2024.