Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ 15h hôm nay (4/5) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có khả năng giảm mạnh theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.
Theo đó, giá xăng có thể giảm khoảng 1.000-1.200 đồng/lít, giá dầu có khả năng giảm khoảng 810-1.100 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cụ thể còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 11 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay tiếp đà giảm từ 3 phiên liền trước. Giá dầu thô Brent về mốc 72 USD/thùng. Còn giá dầu WTI xuống ngưỡng 69 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h46' hôm nay (ngày 4/5, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 72,58 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 68,65 USD/thùng, tăng 0,05 USD, tương đương 0,07% so với phiên liền trước.
Hôm qua (3/5), giá dầu thế giới giảm mạnh. Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h40' ngày 3/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 75,3 USD/thùng, giảm 0,02 USD, tương đương 0,03% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI xuống mốc 71,6 USD/thùng, giảm 0,06 USD, tương đương 0,08% so với phiên liền trước.
Đến 20h45' ngày 3/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 72,98 USD/thùng, giảm 2,34 USD, tương đương 3,11% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI là 69,29 USD/thùng, giảm 2,37 USD, tương đương 3,31% so với phiên liền trước. Cả hai loại dầu phổ biến nhất thế giới đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/3.
Theo giới chuyên gia, giá dầu giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Australia đã bất ngờ khi tăng lãi suất vào ngày 2/5 và cảnh báo có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát cao.
Việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Bên cạnh đó, hàng loạt rủi ro vĩ mô đang rình rập nền kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, cũng khiến giá dầu lao dốc.
Giá dầu và các chỉ số chính của Phố Wall đều giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ Mỹ có thể hết tiền trong vòng một tháng tới. Điều này làm gia tăng rủi ro vỡ nợ của Mỹ, khiến các nhà đầu tư rút khỏi những thị trường rủi ro và thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu thô.
Trong tháng 3 vừa qua, cơ hội việc làm của Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp và tỷ lệ sa thải tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm. Việc này cho thấy sự suy yếu trong thị trường lao động của Mỹ.
Cùng với đó, dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố vào ngày 27/4 cho thấy mức chi tiêu cho hàng hóa của nước này giảm nhiều hơn dự kiến.
Những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng cũng đè nặng lên giá dầu. Ngày 1/5, Ngân hàng JPMorgan Chase đã chính thức mua lại tất cả khoản tiền gửi và phần lớn tài sản của First Republic Bank sau khi Chính phủ Mỹ tịch thu toàn bộ tài sản của ngân hàng này, sau giai đoạn gặp khó khăn về thanh khoản.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu sức ép sau khi số liệu mà Trung Quốc công bố cuối tuần trước cho thấy hoạt động chế tạo tại nước này bất ngờ giảm trong tháng 4 vừa qua. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu cũng được hỗ trợ khi dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Số liệu của Viện Dầu khí Mỹ được công bố vào ngày 2/5 cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm tuần thứ ba liên tiếp, với mức giảm 3,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/4.
Hơn nữa, đà giảm của giá dầu cũng được hạn chế nhờ việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có hiệu lực từ tháng này.