Giá xăng dầu trong nước hôm nay 6/12/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 6/12 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 30/11. Giá xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng, giảm trái chiều.
Theo đó, giá xăng E5 tăng lên 21.790 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm về 22.990 đồng/lít.
Giá dầu diesel hạ xuống 20.190 đồng/lít, trong khi giá dầu hỏa tăng lên 21.110 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 30/11 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.990 | -30 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.790 | +100 |
Dầu diesel | 20.190 | -90 |
Dầu hỏa | 21.110 | +170 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 6/12/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 6/12 tiếp tục đi xuống, lùi xa mốc 80 USD/thùng.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h32' ngày 6/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,27 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 72,37 USD/thùng.
Hôm 5/12, giá xăng dầu vẫn tiếp diễn chuỗi giảm kéo dài từ cuối tuần trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h38' ngày 5/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,24 USD/thùng, giảm 0,79 USD, tương đương 1,01% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,28 USD/thùng, giảm 0,76 USD, tương đương 1,04% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trước những bất ổn xung quanh các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), tình hình căng thẳng ở Trung Đông và số liệu kinh tế yếu từ Mỹ.
Giá dầu tiếp tục gặp áp lực khi các nhà giao dịch vẫn hoài nghi về chính sách cắt giảm tự nguyện gần 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024 của OPEC+.
Tuần trước, cuộc họp của OPEC+ kết thúc bằng tuyên bố cắt giảm tự nguyện của từng thành viên thay vì tuyên bố chung của nhóm làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các nhà sản xuất có thực hiện đầy đủ cam kết của mình hay không.
Việc thiếu đồng thuận của các thành viên của OPEC+ trong quyết định tăng hay giảm sản lượng khiến nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả và sự gắn kết của nhóm này.
Bên cạnh đó, lo ngại về nhu cầu giảm cũng gây áp lực lên giá dầu.
Reuters cho hay, các cuộc khảo sát vào tuần trước cho thấy trong tháng 11, hoạt động sản xuất toàn cầu vẫn yếu do nhu cầu giảm.
Số liệu được công bố ngày 5/12 cho thấy lượng đơn đặt hàng nhà máy của Mỹ trong tháng 10 giảm nhiều hơn dự kiến, với mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua. Số liệu này cho thấy nhu cầu dầu suy yếu tại Mỹ.
Cùng với đó, căng thẳng gia tăng tại Israel đã làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu phần nào được hỗ trợ bởi những bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia rằng các mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể được kéo dài quá quý I/2024 nếu cần thiết. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cũng cam kết việc cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sẽ được thực hiện đầy đủ.