Từ rất lâu rồi, Google luôn mong muốn đáp trả Apple iPhone bằng một họ điện thoại của riêng mình. Nhưng cho tới giờ, đáp án gần nhất vẫn chỉ là dự án smartphone Nexus - do Google hợp tác cùng các đối tác phần cứng như LG, Huawei, HTC phát triển, thiết kế mà thôi.
Google có tự sản xuất smartphone từ A đến Z hay không? |
Câu hỏi đặt ra là liệu Google có khả năng tạo ra một "iPhone" từ A đến Z hay không?
Apple đã gây dựng được cả một đế chế hùng mạnh nhờ vào một thiết bị hình chữ nhật nhỏ xinh: một con dế đầu bảng cao cấp mang tên iPhone, với cả khâu thiết kế phần cứng lẫn phần mềm đều do Táo khuyết tự thiết kế. Hãng bán được quá nhiều iPhone tới mức cụm từ "Được thiết kế bởi Apple tại California" đã trở thành một dấu tem biểu tượng đáng khao khát của làng công nghệ.
Đó là một thành công mà Google sẵn sàng chết để có được. Cũng vì thế mà người ta không bao giờ quên được câu hỏi "Liệu Google có học theo Apple hay không?". Mới đây nhất, tờ The Telegraph vừa dẫn lời một nguồn tin giấu tên tiết lộ Google sẽ tung ra một dòng smartphone G-phone của riêng mình vào cuối năm nay.
Như thường lệ, người phát ngôn Google từ chối bình luận về "những tin đồn hoặc sự suy đoán". Nhưng điều đó không thể ngăn cản giới công nghệ tò mò bàn tán, mổ xẻ câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu. G-phone, nếu có thật, sẽ là một bước tiến cực kỳ lớn của Google. Nếu như với Nexus, Google chỉ quyết định được phần mềm và có chút ít vai trò trong khâu thiết kế phần cứng (95% khâu thiết kế phần cứng vẫn nằm trong tay LG, Huawei hay HTC), thì với G-phone, hãng sẽ có được sự kiểm soát giống như của Apple đối với iPhone.
Hẳn nhiên, Google chưa muốn làm um sùm kế hoạch này lên, bởi hãng không muốn khiến cho các đối tác của dự án Nexus phải hoảng sợ. Về phần mình, Google vẫn luôn khẳng định theo đuổi dự án Nexus đến cùng.
Trong quá khứ, hãng cũng nhiều lần "dìm hàng" ý tưởng tự sản xuất smartphone riêng. Khi bị hỏi tại Hội thảo Code của Recode hồi đầu tháng, Tổng giám đốc Sundar Pichai của Google đã trả lời thẳng thừng "Không" và nhấn mạnh, kế hoạch của ông là vẫn hợp tác cùng các đối tác phần cứng để "chế tạo điện thoại". Ông Hiroshi Lockheimer, Giám đốc mảng phần mềm di động Android cũng có câu trả lời tương tự khi bị CNET hỏi Google có sản xuất điện thoại riêng hay không.
Dù vậy, Google cũng không sai khi muốn tăng cường sự kiểm soát đối với Android. Đây là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới (góp mặt 4/5 smartphone bán ra thị trường), song một trong những nhược điểm bị chỉ trích nhiều nhất của nó chính là sự phân tán. Mỗi hãng lại có một giao diện tùy biến riêng, "đè" lên giao diện Android gốc và đôi khi chúng khác bản nguyên thủy nhiều tới mức người dùng không hề nghĩ là họ đang dùng Android nữa. Các nỗ lực duy trì một trải nghiệm Android nhất quán của Google là bất khả thi, trừ phi họ tự chế tạo được smartphone.
Ai đó có thể nói, dự án Ara mà Google đang theo đuổi cũng là tự sản xuất điện thoại (dựa trên ý tưởng module với các linh kiện có thể tháo ra, thay đổi được giống như trò xếp hình Legos vậy), song Ara thì khác xa với giấc mơ 'iPhone" mà Google vẫn ấp ủ.
Trọng Cầm