LTS: Tiến sĩ Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) là bạn học cấp 3 của nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến và cựu chiến binh Võ Vĩnh Khuyến đã chia sẻ cùng VietNamNet kỷ niệm về những người bạn luôn gắn bó từ thủa ấu thơ và suốt các hành trình trên đường đời sau này. Đặc biệt, họ đều có chung niềm đam mê đặc biệt với những cuốn sách. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!


Thứ Bảy, ngày 30/5/2015, Huyến khai trương Thư viện gia đình. Gọi là khai trương cho nó to chuyện chứ thực ra Huyến chỉ báo cho bạn bè đến uống rượu nhân ngày mở cửa thư viện. Ấy thế mà bạn bè Huyến từ trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí từ nước ngoài về đều lần lượt, kẻ trước, người sau đến chúc mừng Huyến. Người tặng sách, người tặng tranh (thậm chí vẽ tranh ngay tại chỗ), người tặng rượu… thành ra cuộc “khai trương” Thư viện gia đình của Huyến, dù gia chủ không muốn cũng kéo dài đến nửa tháng. Hôm đó tôi có câu thơ vui:

Sách đi kèm rượu mới sang 

Rượu mà không sách, rượu ngang phè phè

Tôi không đến vào ngày đầu như Huyến đã dặn. Nghĩ rằng: Huyến đã có cả một núi sách ở Thư viện sách Đông - Tây khiến ai cũng kính nể, vậy còn lập Thư viện gia đình làm gì nhỉ? Nhưng lại nghĩ “chơi sách” liệu mấy ai bằng Huyến? Huyến làm cái gì cũng suy nghĩ sâu sắc lắm! Kể cả rượu, bia không phải quán nào Huyến cũng ngồi, rượu nào cũng uống đâu!

Nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến và bạn bè trong ngày khai trương Thư viện gia đình. Ảnh: NVCC

Nghĩ cho cùng cuộc đời Huyến từ bé đến giờ có thể gói gọn trong một từ là: “SÁCH”. Huyến đọc sách, dịch sách, làm sách, chơi sách, kết bạn sách, kiếm tiền bằng sách đến cả uống rượu cũng với sách... Nói dại mồm, Huyến còn sống sờ sờ ra đó nên mới phải dài dòng một chút chứ nếu không chỉ cần một câu gói lại cho nó vuông là “Huyến sống trong sách, chết vùi trong sách”. Sách như một định mệnh của cuộc đời Huyến. 

Nghĩ rằng, xã hội Việt Nam ngày nay cái gọi là “Văn hóa đọc” dường như chỉ còn lưu hành chủ yếu trong một phạm vi nhỏ những người làm khoa học, giáo dục, làm văn hóa, văn học, nghệ thuật chân chính, một số cháu học sinh, sinh viên… cũng đáng gọi là chân chính! Tôi muốn dùng từ “chân chính” là bởi bản thân đã từng chứng kiến không ít trường hợp làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ không đọc hết vài quyển sách mà chỉ thuần túy “đao” từ trên mạng rồi cắt, dán trên máy tính. Có trường hợp khi bảo vệ luận án liệt kê một danh sách dài đến mấy trăm quyển sách tham khảo, tiếng Việt có, tiếng nước ngoài có nhưng khi hỏi đến một vài quyển sách trong số đó nói gì thì người bảo vệ luận án chỉ nhoẻn miệng cười “dễ thương” thay cho câu trả lời. Cũng chẳng sao! Vì chính bản thân người hỏi cũng không biết có tồn tại thật sự quyển sách ấy không? Lên xe bus, tàu hỏa, xe khách giường nằm, vào phòng chờ máy bay, ngồi ở công viên… chỉ thấy ai ai cũng chăm chú dán mắt vào iPhone, iPad, Galaxy… lướt mạng, nhắn tin nào có mấy người cầm trong tay quyển sách hay tạp chí nào đâu?

Một xã hội không đọc sách. Một xã hội đang bị cuốn theo cơn lốc điên dại của đồng tiền. Giá trị xã hội của cá nhân được đo bằng những tước hiệu: “đại gia”, “siêu giàu”… Thôi ai kiếm được tiền bằng cách nào thì kiếm, kiếm càng nhiều càng tốt. 

Thế mà Huyến cứ lọ mọ với sách, chung thủy với sách, trung thành với sách, phó mặc đời mình cho sách từ thuở ấu thơ đến tận bây giờ đã sáu mươi năm có lẻ. Kể cũng ghê thật!

Cuộc đời nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến từ bé đến giờ có thể gói gọn trong một từ là: “SÁCH”. Ảnh: NVCC

Cách nay chừng dăm năm, trong một lần tôi và Huyến cùng uống bia tại quán Bầu Bạn. Chỉ có hai đứa nên chuyện chủ yếu về chủ đề quê hương. Tôi khẳng định với Huyến là nghỉ hưu sẽ về quê sống và đọc sách. Hiềm một nỗi là quê tôi mùa hè nóng như rang mà mùa đông lạnh buốt da buốt thịt. Tôi đưa ra phương án là làm một căn nhà cách nhiệt: tường nhà xây bằng đá ong, trần nhà trát bằng rơm trộn bùn. Như vậy gọi là “nhà đất”, có tác dụng cách nhiệt rất tốt. Huyến, sau một lúc suy nghĩ rồi bảo:

- Mình thấy ở Trảng Bằng có một cái hố to và sâu, liệu có thể xây môt ngôi nhà hầm ở đó được không?

Tôi ngạc nhiên: Trảng Bằng là một bãi đất trống nằm ở lưng chừng đồi phía sau xóm Yên Cường, quê tôi và Huyến. Thuở trước, thời tôi và Huyến chăn bò thì đây là nơi lý tưởng nhất để thả bò và đọc sách. Nhưng cách đây hơn chục năm, mấy tay lãnh đạo xã Đức Lạc đã bán cho công ty nào đó lấy đất làm đường. Hậu quả là một góc núi phía sau xóm Yên Cường bị đào khoét nham nhở. Có lần một con bò của dân bị trượt chân rơi xuống cái hố đó mà chết thảm. Phía trên cái hố đó, kéo dài đến tận đỉnh núi là đồi thông, đồng thời là nghĩa trang của hai xóm Yên Cường và Yên Thắng. Ban đêm chẳng mấy ai đủ can đảm mà đi một mình lên khu vực đó. Nhưng phải công nhận là Huyến có con mắt tinh tường. Thì ra Huyến muốn lập một cái thư viện “ngầm” dưới cái hố ở Trảng Bằng để cho dân làng đọc sách miễn phí. Một thư viện vừa sách vừa điện tử. Dầu sao tôi cũng thấy không ổn: Nước đâu? Điện đâu? Internet đâu? Rồi nữa, ban đêm đứa trẻ nào dám lên đó mà đọc sách? Chuyện xây thư viện ở Trảng Bằng, vì vậy, đang dừng lại ở ý tưởng. Nếu sau này con cháu quê tôi làm được điều này thật tuyệt vời. Ít nhất các cháu nhỏ thả bò trên núi cũng có thể vào đó mà đọc sách. 

Tác giả và nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ảnh: NVCC

Cách đây vài năm, trong một lần về quê, dân làng hỏi tôi:

- Ông Thất có định về xây nhà ở quê không đấy? Ông Huyến đang xây nhà to lắm, nghe đâu xây nhà hai tầng.

Tôi ngạc nhiên, vội chạy đến xem thì quả đúng thế thật. Gọi điện hỏi:

- Bác định về quê ở hay sao mà xây nhà hoành tráng thế?

Huyến bảo:

- Đâu! thằng Hoan nó xây đấy chứ!

Sau này Huyến mới thổ lộ muốn lập một cái thư viện cho mọi người trong xóm đến đó đọc sách. Thảo nào mà trong cách thiết kế vườn, lối đi, cổng… cũng khác người - chỉ rải toàn đá cuội, đá hòn như khuôn viên của một thư viện; phía trước lại mới đào thêm một cái ao sâu hoắm, rộng chừng trăm mét vuông mà chưa có nước. Tôi chỉ lo thay cho Huyến rằng ai sẽ là “Thủ thư” cho cái thư viện về lâu dài? Ông cụ thân sinh đã ngoài 90, dẫu ông đang phấn đấu ngoại bách niên. Nhưng có lẽ sự lo của tôi cũng là thừa vì sách không là của riêng ai nên ai quản lý mà chẳng được, miễn là người đó có cái tâm với sách. Một đời người cao niên cũng chỉ trăm năm nhưng một đời sách có thể nghìn năm. Cái trăm năm làm sao phải lo lắng cho cái nghìn năm để làm gì? 

Dù sao thì cái Thư viện gia đình của Huyến ở quê cũng chưa thể “khai trương được”. Vậy là cái Thư viện gia đình tại Làng cốm Vòng đã đi vào hoạt động. Hôm đến uống rượu khai trương Thư viện, tôi có nói đùa với ông cụ thân sinh Huyến (năm nay 92 tuổi): 

- Ông phải đọc hết số sách trong nhà này của Huyến rồi mới được “đi” đấy nhé!

Cụ lắc đầu:

- Nửa thể kỷ nữa không chắc đã đọc hết!

*Khi tôi đăng lại bài viết này (18/4/2023) thì ngôi nhà của hai anh em Hoan-Huyến đã trở thành “NGÔI NHÀ TRÍ TUỆ” mà Hoan là người sáng lập. Đáng tiếc là Huyến và ông cụ thân sinh đã ra đi mãi mãi. Dầu sao Huyến cũng đã mãn nguyện về ước mơ của đời mình trên cõi đời này. 

Trần Thất

Kỳ 2: 'Tôi đã sai lầm khi đem cho bạn học mượn tập 3 bộ Thủy Hử của Khuyến'