75 tác phẩm trưng bày trong triển lãm lần này cũng là để Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng mừng sinh nhật lần thứ 75 của mình.
Không phải ngẫu nhiên Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng đặt tên cho phòng tranh của mình cái tên đầy chất âm nhạc - Giai điệu màu. Bởi, với âm nhạc, cùng với nhạc sĩ Lê Vinh và Thế Duy, Thế Hùng là học trò thầy Hoàng Vân và Văn Ký trong khóa sáng tác ca khúc đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1990.
Gia tài âm nhạc của ông là 150 ca khúc, 4 đêm nhạc, 2 tập nhạc, nhiều ca khúc đã phát sóng truyền hình và trong các MV của các ca sĩ nổi tiếng. Giai điệu và tiết tấu của âm nhạc đã thấm vào ông, hiện ra các bức tranh, lúc mạnh mẽ cuồn cuộn như thác đổ, lúc hiền hòa như dòng sông cuối nguồn về với biển… Có xem tranh mới hiểu Thế Hùng đã vật vã, khổ sở, nhọc nhằn trong suốt 2 năm qua để tìm cho mình một hướng đi trong nghệ thuật gắn với cây cọ và màu sắc như thế nào.
Đã 2 năm nay, từ khi quay lại với hội hoạ - người tình định mệnh mà vì nhiều lý do ông đã xa lánh suốt 30 năm (1992 - 2022). Trong 2 năm này, Thế Hùng đóng cửa vẽ, ít giao du và không tiếp bất cứ ai các buổi sáng kể cả tôi - gã bạn có thể xem là một trong những bạn thân nhất của ông. Ông bộc bạch lịch làm việc một ngày của ông “năng lượng của tôi chỉ tỏa ra từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Sau giờ đó là đọc sách, đánh đàn, nghe nhạc, làm phác thảo và đúng 4h chiều là bóng bàn”.
Tôi đến xưởng vẽ của Thế Hùng trước 4 ngày khai mạc triển lãm lần thứ 2 (lần thứ nhất năm 1992). Nằn nì mãi không được, phải lấy uy là bạn thân và phát lệnh “sang kiểm tra tranh pháo”. Gã bạn say nghề mở cửa, nói gọn lỏn “Tôi chỉ dành cho Hiếu 15 phút thôi nhé”.
Liếc nhìn qua nhà ở - xưởng hoạ của Thế Hùng, một cảm giác choáng ngợp tràn trong tôi. Hàng trăm bức tranh đã xong và đang vẽ dở. Số tranh đang phác thảo, và chỉnh sửa nhiều vô kể. Tranh chất khắp nhà từ lối vào đến phòng khách, phòng vẽ, buồng tắm, ban công, đầu giường… Duy nhất còn đúng cái giường để nằm là không có tranh thôi. Tranh nhiều đến mức Thế Hùng phải “thiết kế” thêm một căn phòng 110 m2 ở tầng trên để bày. Căn phòng này được ông định danh là Salon D'Arts Thế Hùng. Với vẻ mặt vẫn chưa thoát khỏi cảm hứng nghệ thuật, Thế Hùng lầm rầm bảo một cách tự tin: “Căn dưới để sáng tác và dạy vẽ. Căn trên trưng bày, trước là cho mình, gia đình, sau là bạn bè và những nhà sưu tập, những người yêu tranh Thế Hùng”.
Từ ngày có phòng tranh, số tranh bán được ngày càng nhiều.… Sự tu bổ, sửa sang, sắm sửa cho nghiệp vẽ cũng nhiều lên bấy nhiêu theo cách “mỡ nó rán nó”… Gần 200 triệu tiền bán tranh, Thế Hùng sắm khung hết. Hầu hết là loại khung theo đúng nghĩa của loại khung mà người trong nghề gọi là chơi khung. Trong nhà của Thế Hùng toàn khung đục chạm bằng gỗ sồi nhập từ Nga về theo mẫu khung tranh cổ điển của các bảo tàng châu Âu…
Tôi như lạc giữa một không gian nghệ thuật thẩm mỹ. Điểm nhấn giữa phòng là cây đàn Piano 3 chân đen bóng đặt trên bục tròn và xung quanh là hàng trăm bức tranh các cỡ, lớn nhất 200 x 120 cm, nhỏ nhất cũng 80 x 60 cm với 3 đề tài: Phong cảnh, tĩnh vật và từu tượng. Cảm giác chung là đẹp, đa dạng, phong phú, không nhàm chán. Thật dễ dàng nhận thấy phòng tranh của một hoạ sĩ làm thơ, sáng tác nhạc và trang trí nội thất tôn trọng một phong cách, sở thích sang trọng. Tôi đồng tình với nhà sử học Dương Trung Quốc khi tới thăm nơi đây: “Đây là một cách chơi khôn ngoan, khôn ngoan hơn sang trọng”.
Nhìn tranh Thế Hùng bày trong phòng, tôi nảy ra ước muốn tìm hiểu nguyên nhân sự đa dạng trong bút pháp hội hoạ của ông, Thế Hùng nói: “Đúng, đó là những đoạn đường, là những giai đoạn tôi đã đi, mò mẫm, dò dẫm để tìm cho mình một lối đi riêng mà trong nghệ thuật gọi là phong cách”.
Đúng là Thế Hùng đã nhọc nhằn tìm lối. Từ cực thực, hiện thực, siêu thực đến dã thú, biểu hiện… cho đến khi ông gặp được cụ Van Gogh và nhập vào dòng chảy rất xiết của trường phái Ấn tượng (Impressionnistes) thì Thế Hùng mới ngộ ra mình. Đây mới đúng là ông và đó là liên thẩm mang phong cách rất Thế Hùng trong thơ - nhạc - họa. Tất cả đồng nhất: tung phá, bay lượn, thoải mái, vẽ như chơi, như dạo nhẹ một bản đàn.
Những nhát bút nguyên màu để cạnh nhau cho chúng tự tan vào mắt người xem (như cách biểu hiện của trường phái Ấn tượng) như những câu thơ ngắt bậc thang bảng lảng xuống dòng, như khúc thức trong cách tiến hành và phát triển giai điệu từ mở đầu các ca khúc thường là gam thứ, giữa chừng ly điệu sang gam trưởng cho sáng lên, đảo phách liên tục và về kết (coda) gam thứ chủ âm.
Bỏ vẽ 28 năm, miên man trong các loại hình nghệ thuật để rồi khi ngoại thất tuần trở lại dò tìm và thăng hoa trong hội hoạ suốt 2 năm. Thế Hùng cứ mê mải vẽ cho đến khi người xem nhận ra những nhát bút khoáng hoạt, tung tẩy rất Thế Hùng trong các bức: Biển chiều, Hoàng hôn, Mùa xuân, Bến quê, Hà Nội ngàn xưa, Trăng chiều, Đốm lửa chiều, Cầu Long Biên…Từ các nét bút li ti như hàng ngàn lá tre đến những nhát bút to, khỏe khoắn vạm vỡ như luống cầy trong các bức Hoàng hôn, biển chiều đều nhất quán một bút pháp khi cây cọ được một cây bút tài hoa thể hiện.
Gần triển lãm rồi mà Thế Hùng vẫn cặm cụi vẽ, vẫn sửa, vẫn cặm cụi, hì hục ngày 8 tiếng bắt đầu từ 5 giờ sáng. Ông nói: chưa ưng, chưa thích, chưa tự tin lắm, giá để vài năm nữa mới bày. Nhưng phải bày để có tranh in vào Tuyển tập Thế Hùng 2, tổng kết 50 năm hoạt động nghệ thuật trên 4 mảng: Thơ, nhạc, họa, phê bình Nghệ thuật. Hiện thực hóa Kỷ lục gia về đào tạo và sáng tạo nghệ thuật và cũng để minh hoạ thêm cho hội thảo, họp báo ra sách Tuyển tập tại trụ sở Hội nhà Văn Việt Nam vào ngày 20/8, sinh nhật lần thứ 75 của vị Tiến sĩ dạy mỹ học và người nghệ sĩ tài hoa đã thành danh.
Triển lãm Giai điệu màu sẽ kéo dài tới hết ngày 16/7.
Nguyễn Hiếu