Jan van Eyck sinh khoảng năm 1390, mất năm 1441. Họa sĩ người Bỉ là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của thế kỷ 15. Những bức tranh của ông chủ yếu là chân dung và chủ đề tôn giáo, thể hiện bước chuyển đổi từ nghệ thuật thời Trung cổ sang Phục hưng. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về sự nghiệp của ông. Theo Daily Art, Jan van Eyck không phát minh ra tranh sơn dầu như lời đồn đại nhưng lại sử dụng chất liệu này rất điêu luyện.
Đoán danh tính nhân vật từ chú chó
Từ lâu, bức Chân dung Arnolfini được cho là “hình cưới”. Nhưng giờ đây, các chuyên gia khẳng định cặp nam - nữ trong tranh đã là vợ chồng từ trước nhưng danh tính của họ là một trong nhiều bí ẩn liên quan đến tác phẩm.
Nhân vật nam rất có thể là thương gia Giovanni di Nicolao di Arnolfini. Gia đình của ông có nhiều thành viên, gốc Italy nhưng sống ở Bruges (Bỉ) vào thời điểm đó. Năm 1434, Arnolfini có lẽ hơn 30 tuổi.
Danh tính của người phụ nữ gây ra nhiều tranh cãi. Có lúc, người ta cho rằng cô là Giovanna Cenami (vợ thứ hai của Arnolfini). Một tài liệu gần đây đưa ra bằng chứng rằng hai người kết hôn vào năm 1447 (6 năm sau cái chết của họa sĩ Van Eyck). Trong khi đó, người vợ đầu tiên của Arnolfini là Costanza Trenta lại qua đời 1 năm trước khi bức chân dung trên hoàn thành.
Việc đặt hàng vẽ người đã khuất không phải hiếm. Vậy Chân dung Arnolfini có phải trường hợp như vậy? Một số nhà sử học nghệ thuật chỉ ra chú chó ở dưới chân người phụ nữ là bằng chứng cho điều này. Hình ảnh chú chó ở các ngôi mộ thể hiện vật nuôi đồng hành và dẫn đường cho người đã khuất sang thế giới bên kia.
Quả cam thể hiện sự giàu sang
Căn phòng trong tranh không nằm trong cung điện lộng lẫy nhưng vẫn có sự xa hoa nhất định của một dinh thự, chẳng hạn chi tiết thảm phương Đông cầu kỳ hay tiện nghi đầy đủ.
Bên phải là một chiếc giường được phủ vải đỏ sang trọng và những chiếc gối nằm rải rác. Bên trái, khung cửa sổ mở nhìn ra vườn; phía trên là kính màu lạ mắt (đỏ, xanh lam và xanh lục). Ngay cả những quả cam cũng ẩn chứa ý nghĩa - trái cây tươi thường đắt đỏ vào thời điểm đó, cho thấy gia chủ là người khá giả.
Kiểu tạo dáng gây hiểu lầm
Trang phục của cặp đôi đã chứng minh một cách kín đáo sự giàu có. Họ diện quần áo đắt tiền và thời trang nhưng không hào nhoáng, không vận đồ trang sức phô trương. Người phụ nữ đeo hai chiếc nhẫn và một chiếc vòng cổ vàng đơn giản trong khi người chồng có một chiếc nhẫn ở tay phải.
Trang phục của nhân vật nữ có màu xanh lá cây và xanh lam - những loại màu nhuộm tốn kém thời bấy giờ, được may từ chất liệu len và lông trắng.
Một điểm dễ gây nhầm lẫn là cách tạo dáng của người phụ nữ trông như có bầu. Nhưng thực chất đó chỉ là cách giữ váy thể hiện nét đoan trang của phụ nữ thời Phục hưng.
Trong khi đó, quần áo của người đàn ông tối màu pha chút xanh lam, vải dày viền lông thú, cổ tay họa tiết.
Đèn chùm chỉ có một ngọn nến
Chiếc đèn chùm trên trần nhà thu hút sự chú ý của người xem không chỉ bởi khả năng phản chiếu của chất liệu đồng thau mà còn vì chỉ có một ngọn nến được thắp sáng. Đây là cách phổ biến để thể hiện lòng sùng kính một vị Chúa. Một yếu tố tôn giáo khác là chiếc gương, được trang trí bằng những cảnh trong Cuộc Khổ nạn của Chúa.
Bí ẩn trong gương
Chiếc gương cầu lồi trên tường là một trong những yếu tố của bức tranh gợi tới vô vàn suy đoán. Không chỉ phản chiếu căn phòng và phía sau của cặp nhân vật chính, chiếc gương còn hiện ra hình ảnh hai người đàn ông bước vào cửa - một người mặc đồ màu đỏ, người kia mặc màu xanh.
Phía trên gương là dòng chữ được viết rất cầu kỳ: “Johannes de Eyck (Jan van Eyck) đã ở đây. 1434”. Không ít đoán họa sĩ Van Eyck có thể là một trong những người đàn ông xuất hiện trong gương.