Trong suốt nhiều tuần, các cơ quan tình báo Mỹ bị rối trí trước sự biến
mất bí ẩn của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Nhưng khi ông này xuất hiện trở
lại với cây gậy trên tay, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ bận tâm.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Đó là một chiến dịch tấn công quyến rũ trên nhiều mặt trận: Triều Tiên bất ngờ cử một đoàn đại biểu cấp cao tới Hàn Quốc dự lễ bế mạc Asian Games. Nước này cũng phái một đặc sứ tới Liên minh châu Âu để bày tỏ mong muốn đối thoại.
Ông Kim Jong Un tươi cười chống gậy tái xuất hiện sau 6 tuần vắng bóng lại làm dấy lên nhiều đồn đoán. (Ảnh: Rodong Sinmun/EPA) |
Hôm 22/10, Triều Tiên thông báo ông Kim Jong Un đã đích thân ra lệnh thả tù nhân Mỹ Fowle sau khi xem xét đề nghị từ phía Tổng thống Barack Obama.
"Đây có thể là những lời do chính ông Kim Jong Un hoặc những người xung quanh ông ấy nói: 'Chúng tôi sẽ thay đổi mô hình này, bởi vì nó không hiệu quả'", tờ NY Times trích dẫn đánh giá của Joseph R. DeTrani, một quan chức CIA lâu năm chuyên trách về Triều Tiên và hiện là Chủ tịch Liên minh Tình báo và An ninh quốc gia Mỹ.
Ngoại trưởng John Kerry cũng đã chú ý đến sự đổi chiều của luồng gió ngoại giao. Trong chuyến đi tới Đức trong tuần này, kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, ông nói: "Chúng tôi hy vọng nhiều động lực có thể phát triển trong những tuần hoặc tháng sắp tới, khi chúng tôi có thể trở lại bàn đối thoại".
"Mỹ hoàn toàn sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi đã nói ngay từ đầu rằng, nếu Triều Tiên muốn tái gia nhập cộng đồng các quốc gia thì họ biết phải làm thế nào", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Kerry cam đoan không có "lại quả" cho vụ Fowle được tự do. Các quan chức Mỹ khác thì bác bỏ đồn đoán rằng, họ coi đây như một sự khởi đầu của đối thoại, khẳng định chính sách về Triều Tiên vẫn không thay đổi: Sẽ không trở lại bàn đàm phán trừ phi Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ kho hạt nhân của nước này.
Mặc dù đã thành công khi đòi được tự do cho Fowle, một nhân viên ở Ohio bị bắt giam vì bỏ lại một cuốn kinh thánh lúc chuẩn bị rời khỏi Triều Tiên, Washington vẫn đang thúc ép Bình Nhưỡng thả hai tù nhân khác: Kenneth Bae, đang chịu án 15 năm lao động khổ sai vì âm mưu lật đổ chính quyền, và Matthew Todd Miller - án 6 năm lao động khổ sai vì tội gián điệp.
Không ai dám chắc tại sao Chủ tịch Triều Tiên lại vắng bóng một cách bí ẩn suốt 40 ngày. Giả thuyết chính là ông phải phẫu thuật chân hoặc mắt cá chân. Có tin đồn ở Hàn Quốc rằng Kim Jong Un bị thương trong một tai nạn ôtô, song DeTrani tỏ ra nghi ngờ điều này. "Tôi từng tới Bình Nhưỡng. Làm gì có nhiều xe ôtô chạy trên đường", ông lập luận.
Sau khi Kim Jong Un xuất hiện trở lại, dư luận lại tiếp tục đồn đoán ông sẽ làm gì tiếp theo. Liệu có phải ông đang tìm kiếm sự chuyển đổi thực sự trong quan hệ của Triều tiên với thế giới.
Hành động của Kim Jong Un có thể sẽ khơi lại một cuộc thảo luận bên trong Nhà Trắng về chính sách Triều Tiên vốn đã tắt lịm từ năm 2012, khi nỗ lực nhỏ bé của Mỹ nhằm đạt thỏa thuận với Bình Nhưỡng bất thành. Từ đó đến nay, Washington đã quay trở lại chính sách "im lặng chiến lược" trước kia: không nhượng bộ trước và đoàn kết với các láng giềng của Triều Tiên.
Vấn đề là Hàn Quốc đã đón tiếp một cách thận trọng nhân vật quyền lực số 2 của Triều Tiên Hwang Pyong So, khi ông này đến dự lễ bế mạc Asian Games. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã bắt đầu các cuộc đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng về vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc hồi những năm 1970-1980.
Do ít người nắm được những gì đang thực sự diễn ra ở Triều Tiên và thực hư chuyện Kim Jong Un chống gậy tái xuất, nên cần phải chờ đợi để có được câu trả lời duy nhất.
"Thật ngạc nhiên khi những người xì xào về sự bí ẩn của Triều Tiên lại tỏ ra chắc chắn về những gì họ đang làm", Telegraph dẫn lời bình luận của Joel S. Wit, người sáng lập trang web 38North chuyên đưa tin về Triều Tiên.
Thanh Hảo