Không như các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình có thể đổi hướng và tấn công mục tiêu từ những góc bất ngờ.

Trong bài viết ngày 17/9 trên BBC, chuyên gia phân tích Ankit Panda chỉ ra rằng, vụ thử cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục phát triển các phương tiện mang vũ khí hạt nhân ngày càng đa dạng và tinh vi. Nó cũng chứng tỏ Covid-19, các thảm họa tự nhiên và khó khăn kinh tế không thể cản Bình Nhưỡng thúc đẩy năng lực răn đe hạt nhân.

Theo ông Panda, vụ thử đặt ra một loạt câu hỏi, như tại sao Triều Tiên thử tên lửa vào thời điểm này, nó quan trọng thế nào, và vụ thử hé mở điều gì về các ưu tiên của Bình Nhưỡng? 

{keywords}
Báo chí Triều Tiên đăng hình ảnh tên lửa hành trình mới. Nguồn: KCNA

Triều Tiên không thay đổi

Sau khi hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump không mang lại kết quả, Chủ tịch Kim Jong Un đã thể hiện quyết tâm tiếp tục đầu tư vào năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên và theo đuổi chiến lược phòng thủ "tự lực cánh sinh".

Về lý do Triều Tiên thử tên lửa khi đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thốn lương thực và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, chuyên gia phân tích Panda cho rằng, Triều Tiên nhắm đến nhiều mục đích khác nhau.

Những lần thử nghiệm như vậy càng nêu bật cam kết của ông Kim Jong Un nâng cao tinh thần tự lực quốc phòng. Thêm vào đó, các vũ khí mới – chẳng hạn như tên lửa hành trình vừa phóng thử - khiến cho kẻ thù của Triều Tiên gặp khó khăn nhiều hơn trong việc lập kế hoạch đối phó.

Không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình bay thấp và chậm khi hướng về phía mục tiêu. Các tên lửa mà Triều Tiên mới thử có tầm bắn khoảng 1.500km trong khoảng 2 giờ bay. Các tên lửa đạn đạo với tầm bắn tương đương có tốc độ nhanh hơn, nhưng điều mà Bình Nhưỡng quan tâm là kẻ thù sẽ khó phát hiện tên lửa hành trình để phòng thủ hiệu quả.

Động thái mới của Triều Tiên cho thấy, dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, ông Kim Jong Un vẫn quyết tâm phát triển năng lực hạt nhân của đất nước. 

{keywords}
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters

Khả năng mang hạt nhân

Lo lắng lớn nhất của Hàn Quốc, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế hiện nay chính là điều mà báo chí Triều Tiên đã mô tả, rằng các tên lửa mới thử là "vũ khí chiến lược". Thông thường, cụm từ này có nghĩa là Bình Nhưỡng hy vọng sẽ gắn được đầu đạn hạt nhân vào tên lửa. 

Không có hệ thống tên lửa hành trình nào của Triều Tiên trước đây có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Hồi tháng 1/2021, Chủ tịch Kim Jong Un thông báo một hệ thống như vậy đang được phát triển. Ông cũng ngụ ý, trong tương lai, hệ thống tên lửa này có thể được sử dụng cho vai trò mang vũ khí hạt nhân chiến thuật tiềm năng.

Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo chứ không cấm thử tên lửa hành trình.

Tên lửa đạn đạo nguy hiểm hơn vì có thể mang một hoặc nhiều đầu đạn có sức tấn công mạnh, và có thể bay nhanh hơn. Trong khi đó, tên lửa hành trình có thể đổi hướng ở phần lớn chặng bay, cho phép chúng tấn công mục tiêu từ các góc khó đoán. Chúng bay thấp nên các hệ thống radar trên mặt đất chỉ phát hiện được ở giai đoạn bay cuối, thậm chí không phát hiện được.

Thanh Hảo

Vai trò chiến lược của tên lửa Triều Tiên vừa phóng thử

Vai trò chiến lược của tên lửa Triều Tiên vừa phóng thử

Giới phân tích nhận định, tên lửa mới có thể có khả năng hạt nhân và vụ thử có thể khiến Triều Tiên chịu thêm các lệnh cấm vận.