Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 31 ngày 12/11/2021 của Quốc hội và Nghị quyết số 54 ngày 12/4/2022 của Chính phủ tiến hành trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thời điểm diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Song, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả nổi bật.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh) giai đoạn 2021 - 2023 bình quân ước đạt 8,8%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 14%/năm.
Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ước năm 2023 so với năm 2020: Tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) gấp 1,3 lần; thu nhập thực tế bình quân đầu người gấp 1,4 lần; tổng giá trị hàng xuất khẩu gấp 1,4 lần; vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,4 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 1,6 lần…
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản; thiết lập thêm nhiều kênh phân phối ổn định, đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được triển khai kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 187/204 xã, thị trấn (chiếm 91,7%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 329 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đang triển khai khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xúc tiến, thu hút đầu tư được tập trung chỉ đạo quyết liệt; tiếp tục chuyển biến về chất lượng, tạo dấu ấn tích cực về hỗ trợ tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, nước ngoài.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tích mới.
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh định hướng sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp bao gồm:
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn. Tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng; phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển; xây dựng phát triển thành phố Nam Định).
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Thuý Vi