Đó là khuyến nghị của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Phú Son, Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ khi phân tích những “điểm nghẽn” chính của sự phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững.
Nhiều “điểm nghẽn” đối với sự phát triển bền vững
Ông Son nhận định, thực tế hoạt động của chuỗi giá trị lúa gạo ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn tồn tại khá nhiều điểm yếu bên trong ngành, cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức từ môi trường kinh doanh bên ngoài chuỗi.
Điển hình như, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc. Mục tiêu liên kết thường chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ. Hệ lụy của những hợp đồng liên kết này là dễ xảy ra trường hợp các bên liên kết bội tín trong quan hệ mua bán, làm cho chuỗi giá trị lúa gạo trở nên không bền vững.
Cùng với đó, tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân còn mang tư duy sản xuất theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ như: Sản xuất chạy theo số lượng hơn là chất lượng sản phẩm và nhu cầu của thị trường, dẫn đến bất lợi trong khâu thương lượng giá cả mua bán với người mua; Ngần ngại trong việc áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của người mua, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật; Sử dụng lúa giống kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm… Những điều này gây cản trở tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Mặt khác, năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường của hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân cũng còn hạn chế. Rất nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã chưa tổ chức được đa dạng hoạt động dịch vụ nông nghiệp, cũng như dịch vụ cung ứng và tiêu thụ tập trung. Năng lực hạch toán và lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh, cũng như khả năng soạn thảo và thương thảo hợp đồng của hợp tác xã còn yếu kém.
Một “điểm nghẽn” khác nữa là quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao, hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao, giảm năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập vào các thị trường cao cấp; gây khó khăn nhất định trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững.
Đề xuất một số giải pháp
Để khắc phục những “điểm nghẽn” nêu trên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Phú Son đề xuất một loạt giải pháp.
Trong đó đáng chú ý là, cần nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Trước mắt cần nghiên cứu phát triển mô hình liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất lúa với các các công ty xuất khẩu và chế biến lúa gạo.
“Các bộ, ngành cần có những chương trình, dự án hỗ trợ liên kết thu hút được tác nhân thương lái tham gia một cách tích cực và hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị lúa gạo. Mô hình này, theo tôi được biết, đã được áp dụng tương đối thành công trong một số ngành hàng khác, như ngành hàng dừa ở Bến Tre và Trà Vinh, ngành hàng Thủy sản ở Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Xa hơn nữa, sẽ khuyến khích và thu hút tác nhân này trở thành thành viên của các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa”, ông Son khuyến nghị.
Cũng theo ông Son, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan nên có những nghiên cứu căn cơ, cùng với những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc củng cố, xây dựng và phát triển mô hình liên kết giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các các công ty xuất khẩu và chế biến lúa gạo, đặc biệt đối với dòng lúa gạo thơm đặc sản trong cả kênh thị trường nội địa và kênh thị trường xuất khẩu.
Một giải pháp căn cơ khác nữa, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi nhằm khuyến khích các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng cường hoạt động đầu tư ứng dụng cơ giới và tự động hóa, cũng như những tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ thuật số và xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là ở vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao. Giải pháp này sẽ giúp cắt giảm chi phí trong khâu sản xuất lúa, chế biến lúa gạo, tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh của ngành hàng, tạo điều kiện gia tăng giá trị của ngành hàng lúa gạo.