Lễ Phát động Triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” vừa diễn ra trong sáng 12/12/2023 tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI đồng tổ chức, nhằm tạo cơ hội kết nối hiệu quả các “mắt xích” cốt yếu để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững - gồm nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, khoa học và chính sách.

festival chuan bi 5.jpg
Đề án nhằm phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. 

Trước đó, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đề án nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại COP26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đề án sẽ được thực hiện tại 12 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long trên tổng diện tích 1 triệu hec-ta với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường như: Nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững; góp phần bảo vệ môi trường và giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính.

Tại Lễ phát động, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố và chuyển thư cam kết đồng hành, và hỗ trợ triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Ngay sau Lễ Phát động đã diễn ra Chương trình trình diễn đồng ruộng - trình diễn trực tiếp về các công nghệ mới trong sản xuất lúa gạo như cơ giới hoá gieo sạ chính xác, cơ giới hoá sản xuất phân bón từ rơm, thiết bị bay phục vụ nông nghiệp…, giúp giảm vật tư nông nghiệp đầu vào (như giống, phân bón), tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính. 

Người nông dân được nâng cao kiến thức, tận mắt chứng kiến công nghệ và máy móc làm việc trên đồng ruộng. Các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu có cơ hội hiểu rõ hơn điều kiện thực tế và phản hồi của nông dân để cải tiến công nghệ. Và các nhà chính sách sẽ có thêm sở cứ để ra quyết định phù hợp với phát triển công nghệ và thực tiễn áp dụng. 

Sự kiện trình diễn này được tổ chức với hy vọng các công nghệ và thực hành tốt trong canh tác lúa sẽ được nhân rộng và áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Văn Cảnh và nhóm PV, BTV