Theo Wall Street Journal (WSJ), ngày càng có nhiều nước quyết định đầu tư tài chính cho những bản hợp đồng của chính phủ Kiev ký kết với các nhà sản xuất vũ khí tại Ukraine nhằm giải quyết sự thiếu hụt thiết bị quân sự.

Giải pháp này còn được gọi là "Mô hình Đan Mạch", sau khi Đan Mạch bắt đầu tài trợ cho Ukraine để tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng trong nước vào đầu năm nay. Những người ủng hộ mô hình này cho rằng, Ukraine có thể tạo ra các vũ khí phù hợp hơn với nhu cầu của mình cùng với chi phí thấp hơn so với các nước phương Tây.

nga ukraine 36.jpg
Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở vùng Donetsk. Ảnh: New York Times

Trên thực tế, Ukraine có ngành sản xuất vũ khí hùng mạnh. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã tuyển dụng 300.000 công nhân làm việc trong khoảng 500 công ty vào năm 2023.

Hồi tháng 10, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các công ty quốc phòng Ukraine hiện có thể sản xuất 4 triệu máy bay không người lái (UAV) mỗi năm. Ông Zelensky cũng từng nhiều lần bày tỏ sự thất vọng khi phương Tây chậm chuyển giao các thiết bị quân sự như đã hứa. 

"Ukraine từng là trái tim của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô, do đó họ có rất nhiều bí quyết sản xuất các hệ thống phức tạp", ông Eric Ciaramella tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie chia sẻ với WSJ. 

Ông nói thêm, việc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine cho phép phương Tây giúp đảm bảo Kiev có khả năng tự cung tự cấp.

Vào tuần trước, Đan Mạch đã thực hiện khoản tài trợ mới trị giá 138 triệu USD để giúp phát triển ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine. Tờ WSJ đưa tin, Thụy Điển, Lithuania, Na Uy gần đây cũng đã cung cấp tiền cho Kiev theo cách này, và nhiều quốc gia khác có thể sớm làm theo.

Theo Business Insider, phương Tây đã tập trung vào chất lượng thiết bị quân sự hơn là kho dự trữ, cũng như ưu tiên thiết bị công nghệ cao và chuyên dụng hơn là số lượng. Song cuộc chiến ở Ukraine cho thấy, cả chất lượng và số lượng đều cần thiết. Điều đó đã thúc đẩy một số nước phương Tây tăng cường sản xuất vũ khí, nhưng các chuyên gia lo ngại vẫn không đủ để cung cấp cho Kiev. 

Trong khi đó, Nga đã cung cấp kịp thời vũ khí, đạn dược, và nhân lực cho các lực lượng chiến đấu ở Ukraine. Lợi thế về nhân lực và thiết bị đã giúp Nga đạt được những bước tiến chậm, nhưng quan trọng ở miền đông Ukraine trong những tuần gần đây.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho hay Moscow có ý định tăng gấp 10 lần sản lượng UAV lên khoảng 1,4 triệu chiếc mỗi năm.