Mới đây, Ủy ban Dân tộc phối hợp với tỉnh Bình Phước tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào thiểu số trong điều kiện mới” khu vực Đông Nam Bộ.

Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào thiểu số thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp, vướng mắc liên quan đến pháp luật...

Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả như thông qua các hình thức biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tập huấn; phổ biến, giáo dục pháp luật qua các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa giả định; thông qua cuộc họp cơ quan, tổ chức họp dân tại thôn, khu phố; cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; hoạt động hòa giải; hệ thống loa truyền thanh cơ sở...

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp như: rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm tinh gọn, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết. Huy động sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội, nguồn tài chính từ doanh nghiệp và xã hội hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ đạo và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. 

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân của Công an huyện Đăk Tô, Kon Tum.

Huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng cùng vào cuộc. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các chủ trương chính sách mới cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy hiệu quả của mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đội ngũ người có uy tín. Nghiên cứu, xây dựng thêm các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh, các địa phương cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đồng thời xác định đây là một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành và hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhu cầu của xã hội từng nhóm đối tượng.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, cần thiết phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV