Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm

Theo đó, Việt Nam cần đổi mới công tác giáo dục, truyền thông về tội phạm mua bán người với nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm mua bán người. Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt... không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Đặc biệt, chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ban Chỉ đạo 799 ở các địa phương cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác công tác tuyên truyền. Kịp thời phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, các kinh nghiệm, biện pháp phòng ngừa, kết quả đấu tranh, các gương điển hình tiên tiến, mô hình có hiệu quả về phòng, chống tội phạm mua bán người. Chỉ đạo các cơ quan, báo chí, đài truyền hình tăng thời lượng phát sóng, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người. Duy trì việc giải đáp pháp luật, hộp thư bạn đọc, đồng thời thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí thông qua số điện thoại 1088.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên diện rộng và chiều sâu về công tác phòng chống mua bán người. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người tại trường học cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhân dân. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân tại cấp cơ sở.

{keywords}
Giao diện Trang Thông tin điện tử Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các địa phương cần chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người.

Các đơn vị cần có sự phối hợp với các chi hội phụ nữ xã, phường, thị trấn cử cán bộ xuống các bến tàu, thuyền, cụm tàu bè an toàn trên sông, vịnh để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân. Từ đó, giúp quần chúng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và tích cực tham gia tố giác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người.

Làm tốt công tác đấu tranh cơ bản, rà soát các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người. Bồi dưỡng cho nhân viên mạng lưới bí mật nắm các nguồn tin về cá nhân tổ chức đường dây ổ nhóm có dấu hiệu rủ rê, lôi kéo phụ nữ ra nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài bất hợp pháp hoặc đi làm những nghề có thu nhập cao.

Ngành công an cần chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người. Rà soát, thống kê các đầu mối, đường dây nghi vấn hoạt động buôn bán người để tập trung xác minh, thu thập tài liệu, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát, trao đổi các thông tin về đường dây, các đầu mối nghi vấn, băng, ổ nhóm tội phạm mua bán người, nạn nhân bị mua bán để tiến hành kết hợp những tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác lập chuyên án, đấu tranh truy bắt các đối tượng và giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Thanh thiếu niên di cư an toàn

Mô hình Câu lạc bộ Thanh thiếu niên di cư an toàn sẽ góp phần làm giảm nạn buôn người thông qua việc nâng cao năng lực cho thanh thiếu niên tự bảo vệ được mình và các bạn cùng trang lứa.

Theo đó, nên thành lập câu lạc bộ tại cấp thôn/bản dành cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Từ đó, giúp thanh thiếu niên nâng cao kiến thức liên quan đến mối nguy hiểm của nạn mua bán người, luật pháp liên quan đến phòng chống mua bán người và học các bước cụ thể để có thể bảo vệ chính mình như thiết lập mạng lưới hỗ trợ, biết số liên lạc của đường dây nóng. Đồng thời, thanh thiếu niên học các kỹ năng để phát triển khả năng thích nghi của các em, các kỹ năng tập trung vào phát triển cả sức mạnh nội tại và các hệ thống hỗ trợ bên ngoài, kỹ năng mềm tự bảo vệ bản thân.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về để kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nạn nhân sớm hòa nhập với cộng đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần xây dựng các chương trình giới thiệu việc làm, hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định. Có các trung tâm hỗ trợ, tư vấn làm thủ tục cấp hộ khẩu cho phụ nữ bị mua bán quan biên giới, hỗ trợ cho các cháu nhỏ là con của nạn nhân được đến trường.

Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Tư pháp để xác minh các trường hợp nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài, đăng ký việc nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Công an các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục Đối ngoại, Bộ Công an xác minh, tra cứu thông tin đối tượng có liên quan về đường dây mua bán có yếu tố nước ngoài, cũng như trong quá trình đấu tranh truy bắt, giải cứu nạn nhân.

Các lực lượng trong nước cần phối hợp với lực lượng chức năng của các nước có chung đường biên giới, hợp tác chặt chẽ với cơ quan biên phòng các nước trong việc tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát biên giới. Xây dựng, quản lý dữ liệu xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu.

Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng cần phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức phi Chính phủ như UNODC, UNICEF, UNIAP, WV, IOM... trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, phòng chống mua bán người của Ban Chỉ đạo 138/CP. Từ đó nâng cao trình độ về luật pháp quốc tế, nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm soát mua bán người và năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên các tuyến biên giới.

Xuân Quý