Chi phí vận chuyển tại Việt Nam vẫn còn cao, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng thương mại điện tử. Vì sao người Việt phải trả tiền giao hàng nhiều hơn và giải pháp nào để cắt giảm chi phí này?

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics” do Bộ Công thương tổ chức hồi tuần trước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nêu một số điểm có thể cải thiện trong ngành hậu cần tại Việt Nam.

Theo tính toán, chi phí logistics ở Việt Nam hiện nay ở mức cao so với thế giới, chiếm khoảng 20,9%-25% GDP. Bà Ngô Thị Trúc Anh – Giám đốc bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam – cho hay, việc giảm giá hay miễn phí giao hàng không phải là giải pháp dài hạn, thay vào đó, doanh nghiệp cần tối ưu hoá các nguồn lực để tiết giảm chi phí.

Ngoài chi phí cao, thời gian giao hàng thương mại điện tử hiện này còn khá dài, đặc biệt ở các khu vực nông thôn. Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc kinh doanh Ninja Van Việt Nam, cho biết thời gian giao hàng tối đa tại Việt Nam đang vào khoảng 72 giờ. Trong khi đó, tại Trung Quốc – quốc gia có diện tích lớn gấp 30 lần Việt Nam – có mức giao hàng toàn trình tối đa chỉ khoảng 48 giờ. Nếu duy trì thời gian vận chuyển lâu như vậy, người dân nông thôn sẽ không muốn mua hàng trên thương mại điện tử.

{keywords}
Chi phí giao hàng tại Việt Nam vẫn còn cao do các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. 

Tại hội thảo, các doanh nghiệp vận tải nêu những khó khăn trong vấn đề vận chuyển tại Việt Nam bao gồm: Hệ thống giao thông đường bộ chưa được tối ưu, giao thông đường thuỷ và đường bộ chưa liên kết chặt chẽ, các kho bãi lớn hiện chỉ tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Do đó, cần có giải pháp để cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối đường thuỷ với đường bộ, đồng thời xây dựng thêm các kho bãi bên ngoài hai thành phố lớn.

Lý giải về chi phí vận chuyển cao, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đặc thù vận chuyển tại Việt Nam theo chiều dài đất nước nên dễ hao tốn chi phí. Về vấn đề hạ tầng, trên thực tế chính phủ đang liên tục cải tạo và nâng cấp hệ thống đường sá. Ngoài nguồn vốn nhà nước, chính phủ cũng kêu gọi nguồn đầu tư tư nhân để giúp xây dựng hệ thống giao thông.

Bên cạnh đó, yếu tố nội tại của doanh nghiệp vận chuyển và bán hàng cũng cần được cải thiện. Các doanh nghiệp cần chuẩn hoá quy trình, thêm các yếu tố công nghệ để cải thiện thời gian giao hàng. Ngoài ra, yếu tố dịch bệnh khiến tình trạng tắc nghẽn gia tăng, thiếu chỗ đậu cũng làm gia tăng chi phí logistics.

Bản thân Bộ Công thương và chính phủ vẫn đang nỗ lực giải quyết các vấn đề nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp, trong đó có khối logistics. Ví dụ việc số hoá hệ thống hải quan đã tác động rất lớn vào chuỗi dịch vụ xuyên biên giới, gia tăng hiệu quả vào chuỗi cung ứng logistics nói chung.

Theo bà Trúc Anh, ngành thương mại điện tử hiện đang đối mặt nhiều thách thức. Chẳng hạn, khách hàng thường yêu cầu chất lượng sản phẩm tốt, giao hàng nhanh, nhưng chi phí phải giảm. Về phía doanh nghiệp, tỷ lệ ứng dụng công nghệ chưa đồng đều, áp dụng công nghệ vào quy trình vận hành chưa tốt. Chưa kể tác động của đại dịch và các vấn đề chiến sự thế giới cũng ảnh hưởng đến vận hành nói chung.

Để giải quyết những hạn chế của logistics, phía Lazada đặt ra các giải pháp nhắm vào 3 yếu tố: Con người, công nghệ, tính bền vững.

Về công nghệ, doanh nghiệp cần tự động hoá quy trình quản lý, tự động hoá hệ thống phân loại, đồng thời có cơ quan đầu não để tập trung quản lý và xử lý sự cố ngay khi vừa khởi phát.

Chẳng hạn, cần áp dụng trí tuệ nhân tạo và máy học vào quá trình tính toán thời gian giao hàng, đồng thời áp dụng thuật toán cho từng vùng miền khác nhau. Ví dụ một đơn hàng giao từ Hà Nội vào TP.HCM thì hệ thống máy tính phải tính toán được tình hình đường sá theo thời gian thực, đánh giá cơ sở vật chất hạ tầng để dự báo thời gian giao hàng hợp lý. Hoặc tuỳ vào tính toán sẽ đưa cho đối tác giao hàng phù hợp năng lực của họ.

Ngoài ra, hệ thống dây chuyền cần tự động hoá để xử lý đơn hàng nhanh hơn, giảm thiểu sai sót. Bằng chứng cho thấy những thời điểm khuyến mại hoặc cao điểm có đơn hàng nhiều, việc phân loại bằng tay dễ dẫn đến sai sót và mất thời gian. Doanh nghiệp cũng cần cải thiện quy trình chia chọn hàng hoá, và dời một số trung tâm chia chọn ra khỏi các thành phố lớn nhằm tránh các sự cố bất ngờ như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Thêm vào đó, cần có hệ thống mạng lưới tập trung thông tin tới cơ quan đầu não. Ví dụ có sự cố bất ngờ ở một địa phương về đại dịch, bộ phận điều hành phải ngay lập tức nắm thông tin và điều tiết để có các trạm đầu cuối chung quanh hỗ trợ.

Ngoài các yếu tố về công nghệ, bà Trúc Anh cho hay cần đào tạo bài bản nhân viên giao hàng, vì họ là bộ mặt đại diện gần như duy nhất của các bên khi giao hàng đến người mua. Cũng cần phát triển bền vững hệ thống logistics bằng việc tăng cường xe máy điện, xe đạp điện, phối hợp với các đối tác sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.

Đứng ở góc độ đơn vị vận chuyển, ông Phan Xuân Dũng đề xuất có sự hợp tác giữa các đơn vị logistics và nền tảng thương mại điện tử để thu hẹp thời gian giao hàng và nâng cao trải nghiệm nhận hàng của khách. Ví dụ, cả hai bên hợp tác ưu đãi cho người dân nông thôn khi mua hàng trên thương mại điện tử nhằm lôi kéo nhóm người dùng này tích cực mua hàng trực tuyến.

Hải Đăng

Thương mại điện tử Việt Nam có dấu hiệu chững lại

Thương mại điện tử Việt Nam có dấu hiệu chững lại

Thương mại điện tử Việt Nam dù phát triển nhưng đang có dấu hiệu chững lại, do đó chuyên gia cho rằng cần thực hiện một số giải pháp để duy trì đà tăng trưởng.