Theo ThS. Phạm Thị Bích Thảo, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, mặc dù, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thành lập các tổ chức, bộ máy liên quan đến bảo vệ môi trường và xanh hóa sản xuất từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên, để phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bà Thảo đề xuất một số giải pháp sau:

- Tăng diện tích rừng che phủ, giảm việc khai thác rừng quá mức; Hạn chế việc chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp; Quản lý tốt công tác kiểm lâm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động chặt, phá rừng, đốt rừng để làm rẫy vì có thể gây ra cháy rừng. Gia tăng mật độ cây xanh có độ che phủ tốt ở các đô thị.

- Giảm lượng phát thải CO2 bằng cách giảm việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch hoặc sử dụng các loại năng lượng sạch như: Gió, thủy điện, hạt nhân... Bên cạnh đó, cũng cần giảm lượng CO2 trong không khí xuống mức cho phép bằng cách nhờ cây xanh vì cây xanh và rừng có thể hấp thụ lượng CO2 thông qua quá trình quang hợp. Ngoài ra, cũng có thể vận dụng công nghệ CCUS là một loại công nghệ sạch, có thể loại bỏ phát thải CO2 từ các ngành công nghiệp như nhiệt điện, xi măng, luyện gang thép, sản xuất phân bón và hóa dầu.

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam càng cao thì những hiểm họa về môi trường và nguy cơ khan hiếm tài nguyên ngày càng nhiều do các tiêu chí nghiên cứu có xu hướng không tách rời.

- Giảm nồng độ bụi mịn:

Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện cơ giới, có thể không sử dụng các phương tiện cũ không đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn khí thải, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xe diesel vượt quá mức phát thải cho phép; đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp siết chặt quản lý đối với nhóm xe vận chuyển vật liệu xây dựng.

Thứ hai, bắt buộc các công trình xây dựng, sữa chữa, cải tạo đường xá, dân cư phải che chắn trong quá trình hoạt động.

Thứ ba, khuyến khích người dân không đốt rơm rạ, rác thải, giảm khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng). Khuyến khích và yêu cầu người dân cũng như các hộ kinh doanh đang sử dụng than tổ ong  chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu sạch hơn.

- Bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch: Nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tiết kiệm nguồn nước và không làm ô nhiễm nguồn nước, giữ sạch nguồn nước như: Không vứt rác, bỏ chất phế thải, chất bẩn vào nguồn nước; Cần phải xử lý rác sinh hoạt và các chất thải khác đúng quy trình không được để các loại rác này bị xả vào môi trường nước gây ô nhiễm; Sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng cho phép nếu không lượng dư của các loại thuốc này sẽ ngấm vào đất và có thể ô nhiễm nguồn nước; Đối với nước thải sinh hoạt và công nghiệp, cần phải có hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường. Cần kiểm tra, bảo trì, thay mới… các đường ống nước, bể chứa nước tránh lãng phí nước, thất thoát nước. 

- Thuế môi trường: Nhà nước cần tiếp tục rà soát và nghiên cứu điều chỉnh mức thuế và đối tượng chịu thuế phù hợp nhằm vừa tạo nguồn thu cho ngân sách vừa hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa gây ô nhiễm.

- Giải pháp bổ sung: Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu; sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường và bảo tồn bền vững tài nguyên, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như tạo việc làm cho khu vực nông thôn. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông trại, nông dân chuyển đổi hình thức sản xuất sang hữu cơ; có các gói hỗ trợ tài chính để nông dân duy trì canh tác hữu cơ, hỗ trợ tài chính cho hoạt động giáo dục về canh tác hữu cơ, triển khai các dịch vụ tư vấn về canh tác hữu cơ, hỗ trợ quá trình sản xuất, quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh các đề xuất trên, để có những giải pháp cụ thể và kịp thời, các số liệu của bộ chỉ số theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cần được công bố nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời để cho các nhà nghiên cứu cũng như những người quan tâm, những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến vấn đề tài nguyên, khí hậu, môi trường trong nước cũng như ngoài nước tiếp cận dễ dàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu. Đồng thời, triển khai các hoạt động sáng tạo và ứng dụng công nghệ xanh nhằm cải thiện môi trường đô thị như: công nghệ mái nhà xanh, mặt tiền xanh và vỉa hè xanh làm mát khu vực đô thị và dân cư...

Hằng Nga