An Minh là huyện nằm cách xa trung tâm hành chính tỉnh Kiên Giang, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ nhiều giải pháp đồng bộ, trao sinh kế "cần câu cơm", tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại đây giảm theo từng năm.

Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân giảm nghèo theo hướng bền vững, tạo điều kiện để các hộ được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (52 tuổi), ngụ ấp Phát Đạt, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng bà mất khả năng lao động sau vụ tai nạn cách đây 20 năm, bà Thanh trở thành lao động chính trong gia đình từ việc phụ hồ, làm thuê để kiếm tiền lo cho chồng con để trang trải cuộc sống.

Bà bắt đầu đi bán hàng rong trên chiếc xuồng nhỏ, hàng ngày bơi xuồng đi bán rau, củ, quả quanh xóm. Năm 2014, được địa phương quan tâm tạo điều kiện, bà Thanh tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 5 triệu đồng, bà mua vỏ máy để có phương tiện đi lại buôn bán và trang trải sinh hoạt. 

Người phụ nữ này chia sẻ trước đây đi bán hàng rong, bơi xuồng, bán kiếm được 100-150 nghìn đồng/ngày. Từ khi mua được vỏ máy giúp bà chủ động được thời gian, đi bán được nhiều nơi hơn. Mỗi ngày, bà kiếm lời được 300 - 500 nghìn đồng, từ đó đã trả nợ vay ngân hàng đúng hạn và cuộc sống dần ổn định. Việc tiếp cận được vốn vay đã giúp gia đình bà thoát nghèo.

Ở xã Vân Khánh, huyện An Minh, nhiều năm trước, ai cũng thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả và nghèo khó của chị Võ Thị Bé Huệ, hộ nghèo nhất ở ấp Kim Quy B. Gia đình chị không có đất sản xuất, chồng chị phải đi làm thuê kiếm sống hằng ngày, ai mướn gì làm ấy; chị ở nhà chăm sóc con, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Với mong muốn vừa có thể chăm sóc con, vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình, chị đã thu mua cá biển về chế biến thành khô để bán. Sau hơn 1 năm thực hiện có hiệu quả, chị quyết định đầu tư làm nghề khô cá biển. Năm 2018, chị mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 15 triệu đồng để mua nguyên liệu về làm. Tuy nhiên, bước đầu gặp khó khăn vì nguồn vốn không đủ mua các nguyên liệu.

Thấu hiểu khó khăn của hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vân Khánh và huyện đã hỗ trợ cho chị Huệ nguồn vốn 60 triệu đồng để chị mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, chị Huệ đầu tư thêm tủ lạnh, làm giàn phơi cá, mua máy ép chân không, bao bì sản phẩm và mua các nguyên liệu chế biến.

Nhờ sự cố gắng và quyết tâm, các sản phẩm khô cá biển của chị Huệ ngày càng được biết đến. Hiện nay, mỗi tuần chị thu mua khoảng từ 2-3 tấn cá các loại và bán từ 50-70kg cá khô; mỗi ký cá khô có giá dao động từ 110.000-180.000 đồng. Mỗi tháng, trừ các khoảng chi phí, chị thu lợi nhuận từ 10-12 triệu đồng.

Cuộc sống gia đình chị ngày càng ổn định, không những thế còn giải quyết việc làm cho nhiều người. Từ hộ nghèo, gia đình đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng được sản phẩm OCOP 3 sao. Mô hình này dự kiến được nhân rộng mô hình này ở các ấp, để giúp chị em có việc làm ổn định, đem lại thu nhập cho gia đình...

W-cantho-linhtrang.png
Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long mưu sinh trên sông nước. 

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Minh, cuối năm 2022 huyện có 660 hộ nghèo, chiếm 2,06% và 799 hộ cận nghèo, chiếm 2,5% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Toàn huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,6% vào năm 2023.

Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo, công tác hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện hiệu quả. Huyện luôn khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia các mô hình phát triển kinh tế theo hướng đa con, đa cây phù hợp, nhằm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Các chính sách hỗ trợ y tế được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng. Đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, huyện đã cấp trên 2.600 thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, 4.629 thẻ bảo hiểm y tế hộ cận nghèo và 2.944 thẻ cho hộ có mức sống trung bình còn hạn sử dụng.

Huyện đã hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập và các khoản khác khi học các cấp học phổ thông cho các đối tượng là học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn là người dân tộc thiểu số, với 986 lượt hồ sơ, tổng kinh phí trên 469 triệu đồng, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

Thông qua cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo", huyện đã cất mới 12 căn nhà Đại đoàn kết hỗ trợ nhà ở và điện sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Ngoài ra, huyện còn tổ chức nhiều lớp dạy nghề phi nông nghiệp; xác nhận hồ sơ giới thiệu cho hơn 3.500 lượt người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Bình Minh và nhóm PV