Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút đông đảo các đơn vị, chuyên gia trong nước, quốc tế về lĩnh vực phụ nữ và trẻ em trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ điểm nổi bật của Việt Nam năm 2024; các lĩnh vực ưu tiên về Quyền của phụ nữ và trẻ em sau năm 2025; hoạt động hợp tác ở cấp quốc gia và khu vực.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Thị Minh Đức đã khái quát những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN. Việc thực hiện kế hoạch công tác 5 năm (giai đoạn 2012-2016 và 2021-2025) nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới, xóa bỏ tất cả hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em; giải quyết những vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Cũng tại hội thảo, bà Jacel Paguio, chuyên viên cấp cao Ban thư ký ASEAN đã khái quát về kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2021-2025, với các nội dung quan trọng. Đó là phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, mua bán phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền phụ nữ, trẻ em trong bối cảnh di cư, biến đổi khí hậu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phụ nữ, hòa bình và an ninh...
Về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới giai đoạn 2022-2026, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) sẽ tập trung thúc đẩy hoàn thiện luật pháp chính sách về giới, bạo lực giới, gia đình. Đồng thời tăng cường phòng ngừa bạo lực giới, bạo lực gia đình; thúc đẩy điều phối liên ngành nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ thiết yếu có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực; thúc đẩy điều phối liên ngành trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong bối cảnh khẩn cấp, thiên tai; tăng cường thu thập số liệu về bạo lực gia đình…
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về khả năng phối hợp, tiếp tục thúc đẩy hành động để đảm bảo quyền của trẻ em ở cấp quốc gia trong thời gian tới; tham vấn, đề xuất hoạt động hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực.