Một chính phủ kiến tạo là phải tạo được môi trường khởi nghiệp cho doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, nhiều nơi, doanh nghiệp, người dân chưa thật hài lòng với sự chuyển động của các bộ ngành, địa phương, thậm chí, nhiều nơi có lãnh đạo không nhiệt tình gặp doanh nghiệp (DN).
Trước thềm cuộc đối thoại Thủ tướng gặp doanh nghiệp ngày 17/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, chia sẻ với PV.VietNamNet về những nguyện vọng, mong muốn của DN.
Ông đánh giá như thế nào về kết quả hỗ trợ DN trong một năm qua theo Nghị quyết 35 của Chính phủ?
Ông Vũ Tiến Lộc: Phải nói rằng, Nghị quyết 35 được Chính phủ ban hành trong một thời gian ngắn kỷ lục, chỉ sau đúng 2 tuần Thủ tướng đối thoại với DN (29/4/2016) - điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ mới với vai trò kiến tạo và phát triển.
Nghị quyết này đã tạo xung lực thúc đẩy các chính quyền địa phương thay đổi tư duy, nhận thức, lấy DN làm đối tượng phục vụ. Thủ tướng cũng đã đích thân đi tới các địa phương, đôn thúc cải cách môi trường kinh doanh. Một không khí đầu tư kinh doanh đang được phát động, có thể thấy rõ với 110.000 DN thành lập năm ngoái - lớn nhất từ trước tới nay. 3 tháng đầu năm nay, số DNquay trở lại hoạt động tăng thêm.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI cuối 2016, đầu 2017 ghi nhận, 75% DN đánh giá 5 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong Nghị quyết 35 là tích cực.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ảnh: Phạm Huyền) |
Chúng tôi cho rằng, những đánh giá này của DN không phải là cảm tính, bởi nó khá là phù hợp với các động thái chuyển biến từ phía các bộ ngành địa phương. Điển hình nhất là thời gian cho các thủ tục hành chính trong kinh doanh đã giảm đi rất nhiều. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp càng có thêm niềm tin mạnh mẽ vào một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn.
Theo ông, tất cả những nỗ lực trên của các bộ ngành, địa phương liệu đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Vũ Tiến Lộc: Thực ra, rất khó để cộng đồng DN có thể thỏa mãn với những kết quả trên. Đó là những mặt được về mặt thủ tục hành chính nhưng vẫn còn chưa đủ so với những bất cập còn tồn tại trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Nói thật, nhiều nơi, DN, người dân chưa thật hài lòng với sự chuyển động của các bộ ngành, địa phương, thậm chí, nhiều nơi có lãnh đạo không nhiệt tình gặp DN. Họ chưa thực sự đồng hành với các DN. Lợi ích nhóm vẫn chi phối, sự trì trệ vẫn thể hiện rõ trong yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh.
Thắng thắn mà nói, các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ không được nhiều nơi thực hiện nghiêm túc. Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn phổ biến. Tôi cho rằng, các nỗ lực cải cách hành chính, cải cách thể chế không thể đạt được tiến bộ, khi chúng ta không có cơ chế quy trách nhiệm trong việc thực hiện tới từng cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Trong khi đó, đời sống DN vẫn rất khó khăn, khi chi phí kinh doanh ở Việt Nam gần như cao nhất khu vực. Ví dụ, chi phí nộp thuế, phí, bảo hiểm xã hội,... của doanh nghiệp Việt Nam cao nhất so với ASEAN 4, bằng tới 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.
Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang phải chịu chi phí kinh doanh lớn (ảnh minh hoạ: Phạm Huyền) |
DN than phiền rất nhiều về chi phí logistics. Một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ngược lại, khoảng 100km, đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam...Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại, bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Vậy, ông kỳ vọng thế nào vào cuộc đối thoại lần thứ 2 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Ông Vũ Tiến Lộc: Ngay trước thềm cuộc đối thoại, chúng tôi đã có một báo cáo gửi tới Chính phủ về mọi kết quả thực hiện Nghị quyết 35.
Tính từ Hội nghị đối thoại năm ngoái đến tháng 1/2017, chúng tôi đã tập hơn 421 kiến nghị của các DN, hiệp hội gửi các bộ ngành, địa phương để giải quyết. Trong đó, 101 kiến nghị gửi trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ.
Với hội nghị đối thoại lần 2 này, chúng tôi đề xuất 3 nhóm kiến nghị lớn. Trong đó, mong muốn nhất của chúng tôi là Thủ tướng nhấn mạnh rõ thông điệp Chính phủ đồng hành cùng DN, một thông điệp thể hiện bằng hành động cụ thể, có các cơ chế cho phép giải quyết triệt để những vướng mắc của DN một cách kịp thời, thoả đáng, tránh tình trạng bao biện, giải thích nhiều mà không giải quyết thực tế. Các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường đối thoại minh bạch, công khai với doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí kinh doanh cho DN hiện nay.
Tôi được biết ngay trong chiều diễn ra hội nghị, Thủ tướng sẽ đối thoại với các cấp ban ngành để giải quyết ngay các phản ánh vướng mắc của DN tại hội nghị.
Chúng tôi mong Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị mới tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35, trong đó làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần đạt được trong năm nay và nêu rõ thời hạn chót cần thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của các ngành các cấp trong khâu thực hiện. Như vậy, niềm tin về một Chính phủ kiến tạo mới được củng cố và phát triển.
Phạm Huyền (thực hiện)