Gần đây, người dân vẫn phản ánh tình trạng thiếu thuốc, vật tư, khiến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải mua ở bên ngoài; cùng đó, người bệnh mất rất nhiều thời gian chờ đợi để được mổ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). 

Xung quanh vấn đề này, ngày 2/8, bên lề Hội thảo phổ biến Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã có những trao đổi theo ông là "nhìn thẳng và không giấu diếm".

"Thời gian khó khăn nhất với bệnh viện đã qua rồi!"

Thực tế thì đến thời điểm này, bệnh viện còn thiếu thuốc, vật tư hay không, thưa ông?

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có tính chất chuyên khoa, số lượng vật tư, thuốc dùng với số lượng rất lớn. Có thể nói rằng thời gian khó khăn nhất với bệnh viện đã qua rồi, các gói thầu có kết quả, chúng tôi đã gọi hàng. 

Tôi đã kiểm tra để có câu trả lời cho thông tin phản ánh việc người bệnh, người nhà người bệnh phải mua thuốc ở bên ngoài.

Trong thuốc điều trị có khái niệm tương đương sinh học, tức là không có thuốc này thì có những thuốc khác (ví dụ kháng sinh) mà tác dụng sinh học tương đương có thể thay thế.

Thuốc để điều trị cho người bệnh không thiếu, chúng tôi thiếu những thuốc không có thay thế và không mua sắm được, không chỉ Việt Đức, mà tất cả các bệnh viện công đều đang thiếu. Đó là Albumin và Gamma Globulin, vì khi đấu thầu không có một hãng hoặc nhà phân phối nào tham gia đấu thầu, không mua sắm được.

duong duc hung viet duc
Ông Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Trong khi đó, loại thuốc này lại rất cần trong lâm sàng, cho các bệnh nhân nặng. Ở Bệnh viện Việt Đức, số bệnh nhân ghép tạng cần dùng loại thuốc này rất nhiều nhưng lại không có được ở trong dược nội trú nên buộc phải mua ngoài. Trước kia, việc thiếu thốn trong dược nội trú được khỏa lấp thông qua hệ thống nhà thuốc bệnh viện.

Bệnh nhân cũng phản ánh mất rất nhiều thời gian chờ đợi để được mổ ở bệnh viện, ông nhìn nhận ra sao?

- Hoạt động điều phối, điều tiết trong bệnh viện gọi chung là quản trị bệnh viện. Tháng 5/2024, thông tư hướng dẫn mua thuốc mới có, khi đó các bệnh viện mới bắt đầu làm hồ sơ để mua sắm.

Với bệnh viện ngoại khoa, thuốc mê là loại thuốc quan trọng không thể thay thế. Mỗi ngày chúng tôi có khoảng 300 ca mổ phiên (mổ theo kế hoạch) và 30-40 ca mổ cấp cứu, nghĩa là nhu cầu thuốc này rất lớn. Thuốc mê không có thì không chỉ mổ phiên mà cả cấp cứu cũng không thực hiện được.

Khi đã chậm tham gia thầu (chậm toàn hệ thống), chúng tôi không thể vay mượn thuốc mê các nơi khác được. Vì thế, song song với việc làm ngày làm đêm để có hồ sơ thầu, chúng tôi buộc phải điều tiết để không gián đoạn thuốc trong thời gian chờ gọi được thuốc.

W-don-thuoc-1.png
Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định không thiếu thuốc để điều trị cho người bệnh. Ảnh: Phạm Hải

Hoạt động điều tiết ấy diễn ra như thế nào? Chúng tôi xác định có những cuộc phẫu thuật năm nay chưa thực hiện thì năm sau làm vẫn được như tháo nẹp vít, phẫu thuật thẩm mỹ… Trong khi bệnh nhân ung thư hay bệnh nhân dù không cấp cứu nhưng cần phải mổ ngay thì vẫn phải đảm bảo. Thực tế cho thấy việc điều tiết đó có hiệu quả. Gói thầu thuốc mê đã giải quyết được, số lượng mổ tăng trở lại.

Về phản ánh thời gian chờ mổ kéo dài, khi phân tích, chúng tôi nhận thấy có nguyên nhân chủ quan, trong hơn 1 tháng qua phải chủ động điều tiết, nhưng khách quan thì những khó khăn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng là khó khăn của các đơn vị.

Chúng tôi là bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân khắp nơi đổ về, số giường bệnh có hạn. Khi cung và cầu thay đổi thì thời gian chờ mổ phải giãn ra. 

Tất cả phòng mổ của bệnh viện hoạt động hết công suất, không thể hơn được nữa. Thầy thuốc mổ tới 9-10 giờ tối. Chất lượng khám chữa bệnh phải được tôn trọng. Không thể vì chạy theo thời gian hay số lượng mà kéo giảm chất lượng xuống.

Các nhà thuốc bệnh viện công đang rất khó khăn

Theo ông, những quy định mới giúp bệnh viện tháo gỡ khó khăn ra sao trong mua sắm, đấu thầu?

- Về cơ bản, các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua đã tháo gỡ một số khó khăn trước đó, thậm chí có những quy định là bước tiến vượt bậc, như không nhất thiết mua hàng với giá thấp nhất.

Ví dụ, với vật tư thông thường như băng dính trong bệnh viện, khi mua sắm với giá rẻ nhất, đã có những loại băng dính khi bóc ra đã lột cả phần da người bệnh. Có những giai đoạn bệnh viện không thể mua được loại tốt vì tiêu chí kỹ thuật xây dựng cho 1 cuộn băng dính là khó.

Nhiều mặt hàng chất lượng không đáp ứng nhưng vì giá rẻ nhất nên vẫn trúng thầu, từ đó ảnh hưởng chất lượng điều trị. 

Quy định mới đưa tiêu chí chất lượng, xuất xứ nguồn gốc vào đã giúp bệnh viện lựa chọn được hàng tốt, chính hãng, giá hợp lý và tuân thủ đúng pháp luật.

Quy định pháp luật hay hướng dẫn thực hiện đều xuất phát từ thực tế, nhưng luôn có độ trễ. Thực tế thay đổi thì phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh nếu thực hiện nhanh, sớm thì sẽ tháo gỡ cho đơn vị, nếu chậm có khi lại thành rào cản. 

Một tình huống thực tế đang xảy ra là khi đơn vị chào giá đưa catalogue vào sau khi chúng tôi mời thầu, chúng tôi tra lại trên chính website chính thức của đơn vị sản xuất thì phát hiện không có tiêu chí nào đó. Họ sẵn sàng gửi công văn xin lỗi vì lý do... chậm cập nhật.

Trong khi đó, với chức năng bệnh viện, chúng tôi không thể đi thẩm tra, đánh giá những cái họ nói là có thật hay không; hoặc việc dùng hàng mẫu, đánh giá hàng mẫu ra sao cũng cần có quy định để làm sao bệnh viện biết hàng có đáp ứng yêu cầu, nhu cầu hay không...

Theo phản ánh chung, các nhà thuốc bệnh viện công đang gặp nhiều khó khăn do các quy định mới về đấu thầu, mua sắm?

- Đúng thế. Quy định mới về mua sắm đấu thầu đang "thắt lại" ở chỗ nhà thuốc. Hiện tại, nhà thuốc của tất cả bệnh viện công đều rất khó khăn. 

Đối tượng phục vụ của nhà thuốc khác với đối tượng phục vụ của dược nội trú. Theo đó, nhà thuốc đáp ứng nhu cầu mua sắm của không chỉ bệnh nhân nội trú mà cả bệnh nhân ra viện, bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân chỉ hợp thuốc này, nếu không có thuốc đáp ứng nhu cầu của họ thì họ có thể sang ngay hiệu thuốc khác.

Hơn nữa, có sự khác biệt rõ ràng giữa hệ thống nhà thuốc trong bệnh viện với hiệu thuốc tư nhân.

Thứ nhất là quan điểm phục vụ. Tất cả các hoạt động ở trong bệnh viện, bao giờ vấn đề về kinh doanh cũng đặt sau việc phục vụ người bệnh. Còn tư nhân, đương nhiên phải đảm bảo về kinh doanh, phải có lãi.

Thứ hai, vấn đề kiểm soát giá của nhà thuốc bệnh viện rất chặt, không thể có tình trạng thả nổi giá hay ép giá.

Cùng đó, chất lượng thuốc trong bệnh viện thì phải bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, một loạt thuốc cần có điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo. Nếu bệnh nhân hoặc người nhà mua thuốc đó mang từ bên ngoài vào trong bệnh viện dùng, ai chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc?

Quan điểm của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là không ủng hộ việc mua thuốc từ ngoài mang vào để dùng trong hệ thống nội trú, vì chúng tôi không kiểm soát được chất lượng thuốc. Nếu thuốc đã đấu thầu, mua nhập vào qua hệ thống dược của bệnh viện; nhà thuốc là một phần của hệ thống dược thì chất lượng của thuốc đó bệnh viện chịu trách nhiệm.

Với các quy định mới thì hiện tại, hệ thống nhà thuốc đang gặp khó khăn trong mua sắm đấu thầu. Nhà thuốc không chỉ bán thuốc mà còn bán vật tư liên quan đến khám chữa bệnh nữa. Ví dụ khi bệnh nhân ra viện cần có cái nạng gỗ nhưng việc xây dựng tiêu chí kỹ thuật cho vật tư này để đấu thầu rất khó. 

Thêm nữa, bông băng, gạc sát khuẩn, sữa dinh dưỡng cho người bệnh mà phải được quản lý bởi hệ thống dược là đều bán ở nhà thuốc chứ không được bán ở căng tin. 

Vậy nên những quy định mua sắm hiện nay đang gây ra khó khăn trong vấn đề đáp ứng nhu cầu mua sắm của người bệnh không phải nội trú hoặc nội trú một phần. 

Chúng tôi đã báo cáo khó khăn đó với cơ quan có thẩm quyền và mong rằng những ý kiến của cơ sở, không chỉ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà còn rất nhiều bệnh viện công lập, sẽ nhanh chóng được giúp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.