Bà Walensky thừa nhận không thể dự đoán thời điểm Covid-19 kết thúc nhưng nhấn mạnh điều đó phụ thuộc vào hành vi của con người.
Tiến sĩ Rochelle Walensky tại phiên điều trần của Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ hồi tháng 3/2021. |
Đã 20 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, số ca nhiễm ở nước này bắt đầu giảm sau khi làn sóng lây lan do biến thể Delta khiến số người nhiễm vọt lên đỉnh điểm hơn 172.000 ca mỗi ngày hồi giữa tháng 9. Một số chuyên gia y tế nhận định đây có thể là đợt dịch lớn cuối cùng nhưng không ai dám chắc khi nào đại dịch kết thúc.
"Hiện tại chúng ta có nhiều công cụ khoa học. Chúng ta có vắc xin. Nhưng chúng ta không thể dự đoán được hành vi của con người. Và hành vi con người trong đại dịch này không giúp ích nhiều cho chúng ta", CNBD dẫn lời bà Walensky trao đổi với báo chí.
Theo nữ tiến sĩ, với chỉ khoảng 55% dân số đã tiêm đầy đủ vắc xin, Mỹ chưa đạt đủ mức miễn dịch cộng đồng trước biến thể Delta dễ lây nhiễm. "Với biến thể Delta, R-naught hiện là 8 hoặc 9", bà phản ánh.
R-naught là chỉ số lây nhiễm cơ bản, biểu thị trung bình số người bị lây virus từ một người đã nhiễm bệnh.
"Điều đó có nghĩa là chúng ta cần rất nhiều sự bảo vệ trong cộng đồng để không bị mắc bệnh", Giám đốc CDC Mỹ lý giải và chỉ ra vấn đề là một số cộng đồng có tỷ lệ tiêm vắc xin cao và được bảo vệ tốt nhưng "không ít địa phương có rất ít sự bảo vệ.
"Virus thì đâu có ngốc – nó sẽ tới đó. Vì vậy, thực sự, vấn đề phụ thuộc vào mức độ chúng ta hợp tác với nhau... làm những điều cần phải làm để bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng".
Theo Giám đốc CDC Mỹ, đến nay con người "đang chiến đấu với nhau chứ không phải chiến đấu với kẻ thù chung là virus".
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Thanh Hảo
Malaysia cán mốc tiêm ngừa Covid-19, Sydney mở cửa sau 106 ngày phong tỏa
Với 90% dân số trưởng thành đã được tiêm chủng, Malaysia đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại. Thành phố Sydney của Australia cũng kết thúc 106 ngày phong tỏa.