Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT) chính thức hết hiệu lực từ 1/4/2020. Sau ngày này, các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ chọn hoạt động theo hình thức công ty kinh doanh vận tải, hoặc công ty cung cấp ứng dụng kết nối vận tải theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Kể từ 1/4, Grab cho biết vẫn là công ty nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối vận tải, nhưng sẽ xin giấy phép kinh doanh vận tải cho dịch vụ GrabCar để đảm bảo tuân thủ Nghị định 10.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết sau ngày 1/4, Grab Việt Nam vẫn hoạt động bình thường. Ứng dụng mà người dùng và tài xế đã cài đặt vẫn sử dụng như cũ, không thay đổi. Mối quan hệ hợp tác giữa Grab và tất cả đối tác vẫn như trước. Chỉ có một điểm khác về mặt giấy tờ thủ tục hành chính sẽ được thực hiện để Grab hoạt động phù hợp với Nghị định 10.
Trong đề án thí điểm trước đây, Grab chỉ được triển khai GrabCar tại 5 tỉnh/thành phố. Tuy nhiên kể từ 1/4, công ty sẽ bắt đầu mở rộng ra toàn quốc, hoạt động theo các điều mới được quy định trong Nghị định 10.
“Nghị định 10 hợp thức hoá xe công nghệ là một bước tiến mà Grab chờ đợi rất lâu. Việc này chứng tỏ Nhà nước đã đón nhận nhiều hình thức kinh doanh vận tải khác nhau, tăng tính hiệu quả khi sử dụng các nguồn lực vào lĩnh vực xương sống như giao thông vận tải”, bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết.
Kể từ 1/4, Grab sẽ bắt đầu tiến hành hợp tác với Sở GTVT các tỉnh thành, hợp tác với hợp tác xã ở các tỉnh. Công ty cũng sẽ nghiên cứu nhu cầu, dự đoán nhu cầu người dùng từng tỉnh thành để biết nên mở dịch vụ ở tỉnh nào trước.
Trả lời ICTnews, bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết các nghiên cứu ban đầu cho thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng. So với các quốc gia tương đồng về dân số và thu nhập thì thấy tiềm năng thị trường Việt Nam ở mức cao. Grab sẽ tiếp tục dùng gói 500 triệu USD để đầu tư vào thị trường này trong vòng vài năm tới.
“Grab sẽ vẫn đi theo hướng là nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ đa ngành nghề, trở thành siêu ứng dụng, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh vận tải”, bà Vân khẳng định.
Trả lời về quan hệ với các công ty taxi, bà Vân cho biết từ trước tới nay công ty hoạt động nhất quán là nền tảng công nghệ. Việc hợp tác với các hãng taxi sẽ giúp việc khai thác thị trường tốt hơn. Thậm chí, hãng taxi là đối tác ưu tiên của Grab khi hợp tác.
“Grab từng hợp tác với nhiều hãng taxi ở ngoài phạm vi đề án thí điểm. Sau 1/4, quan điểm này vẫn không thay đổi”, tân Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết.
Hiện Grab hợp tác với cả hợp tác xã (GrabCar) lẫn công ty taxi (GrabTaxi). Trong đó, GrabCar có thể thay đổi giá cước tuỳ thời điểm, trong khi giá cước taxi là cố định dựa trên đồng hồ tính cước. Tuy nhiên về mối quan hệ hợp tác giữa Grab và các bên thì như nhau, bà Vân cho biết.
Trong các dịch vụ vận chuyển hiện nay của Grab hay một số ứng dụng gọi xe khác, chỉ có vận chuyển bằng xe ô tô khách dưới 9 chỗ ngồi chịu các quy định của Nghị định 10. Dịch vụ GrabBike hiện hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý, không chịu ảnh hưởng bởi nghị định mới của Bộ GTVT.