Mời quý độc giả theo dõi video:

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và nhiều mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó, hàng nghìn hộ nghèo không những được hỗ trợ giống, vốn mà còn được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xã Sơn Dương (TP.Hạ Long) là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển. Bà con chủ yếu trồng lúa và một số cây hoa màu, nhưng năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao.

Bởi vậy, trong những năm qua, bắt tay triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Xã đã đã chú trọng công tác tuyên truyền, để người nghèo, hộ nghèo thấy rõ vai trò tầm quan trọng của bản thân và gia đình trong việc chuyển đổi nhận thức, tiếp cận các mô hình mới, cách làm hay.

Bên cạnh đó, lãnh đạo xã còn tăng cường tuyên truyền, về mô hình trồng ổi lê theo hướng VietGAP và khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển đổi các cây trồng không hiệu quả lâu nay sang canh tác giống ổi có thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm.

Bà Tạ Thị Thắm là một trong những hộ điển hình, vươn lên thoát nghèo từ trồng ổi ở xã Sơn Dương. Được sự hướng dẫn của xã, bà được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư mua cây giống ổi lê về trồng trên diện tích gần 1ha.

Trong giai đoạn đầu, bà Thắm còn được học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân địa phương, chi hội phụ nữ phối hợp với các ngành tổ chức; được đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các hộ trồng giống ổi này ở địa phương khác.

Quyết liệt vươn lên thoát nghèo bằng cây ổi lê, bà Thắm và gia đình dứt khoát canh tác bằng phương pháp an toàn sinh học. Gia đình chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây nhằm đạt năng suất, chất lượng cao. Bình quân mỗi ha trồng ổi của gia đình cho thu hoạch ước đạt khoảng 40 – 50 tấn ổi/năm, có thể mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá cho một gia đình ở vùng Sơn Dương

Tại xã Tràng Lương (thành phố Đông Triều) thời gian qua cũng có nhiều hộ dân “bén duyên” với cây ổi trồng theo hướng VietGAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc.

Điển hình như vườn ổi của gia đình của ông Lê Văn Quý ở thôn Trung Lương. Năm 2018, ông Quý mở rộng mô hình vườn ổi và cây có múi, rộng 13ha. Ông nâng cao kỹ thuật canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Với kỹ thuật này, ông không chỉ tuân thủ nguyên tắc về liều lượng, chủng loại, thời gian giãn cách khi sử dụng thuốc, phân bón có gốc hóa học như VietGAP, mà còn từng bước thay thế các vật tư trên bằng gốc sinh học và biện pháp thủ công.

Từ cách làm này, trên 3.000 gốc ổi và hàng nghìn gốc cây có múi của ông Quý có tốc độ sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Hiện mỗi năm ông thu hoạch khoảng 100 tấn quả ổi, phần lớn được thương lái đến tận nhà thu mua với giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại.

Vườn ổi của ông Quý còn hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Nhiều hộ trồng ổi ở Tràng Lương như ông Quý cũng từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Có thể thấy, với định hướng đúng đắn, chất lượng đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho trên 17.000 lượt lao động, toàn tỉnh đã giảm được 121 hộ nghèo và 828 hộ cận nghèo.

Bằng những chính sách phù hợp, hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả thực chất, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.