Thời gian qua, UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các chính sách giảm nghèo đang triển khai trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách về ưu đãi tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; chính sách về y tế, hỗ trợ nhà ở; chính sách đối với đồng bào dân tộc… Nhờ tiếp cận đầy đủ thông tin về các chương trình dự án, người dân Trùng Khánh ngày càng chủ động trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Tại xã Đàm Thủy, từ khi huyện có chủ trương xây dựng làng du lịch, người dân làng Tày cổ Khuổi Ky đã chỉnh trang cảnh quan, tu sửa lại nhà cửa, trồng các loài hoa rừng mộc mạc thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Như nhiều người dân ở làng Tày cổ Khuổi Ky, gia đình anh A Cảnh được tuyên truyền thông tin về các chính sách giảm nghèo, tín dụng, đồng thời anh cũng chủ động tìm hiểu qua các kênh của địa phương như Trang thông tin điện tử, Zalo, Facebook…
Anh Cảnh cho biết, anh đã vay vốn đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú homestay cộng đồng. Homestay của gia đình anh có đủ các điều kiện vật chất để phục vụ như: nhà vệ sinh khép kín, bình nóng lạnh, chăn ga gối đệm tiêu chuẩn. Nhờ đó thu hút được khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, giúp gia đình anh nâng cao thu nhập đáng kể.
Không chỉ làm du lịch, nhiều hộ gia đình tại Khuổi Ky, nơi anh Cảnh sinh sống cũng thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế trồng rừng, chăn nuôi bò. Nhờ đó, bà con không chỉ thoát nghèo, mà còn từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Gia đình chị Luyện Thị Gấm ở xóm Đoỏng Luông - Chi Choi, xã Đình Phong trước đây cũng như nhiều hộ nghèo khác trong thôn, rất khó khăn khi tìm hướng đi phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo. Tham gia nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng cây, chăn nuôi của xã tổ chức và xem tivi, nghe đài, truy cập mạng Internet, gia đình chị đã dần thay đổi nhận thức, tự lực xây dựng mô hình kinh tế để thoát nghèo.
Từ khu đồi dốc, đất đai khô cằn trước chủ yếu trồng ngô, gia đình chị đã cải tạo thành khu vườn trồng cây hạt dẻ. Để tận dụng diện tích dưới những gốc cây dẻ, chị Gấm đã tìm hiểu đưa vào trồng các loại rau màu phù hợp như rau ngót, bắp cải, bí... Chị còn kết hợp chăn nuôi lấy nguồn phân hữu cơ để sản phẩm rau, quả luôn đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đến nay, mô hình trồng hạt dẻ, kết hợp trồng rau sạch của gia đình chị đã ổn định, tạo thu nhập tốt cho gia đình.
Có thể thấy, một trong những nội dung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đó là quan tâm đầu tư hệ thông truyền thanh cơ sở ở các thôn xa. Điều này góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê mới nhất, đến hết năm 2023, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh đã thực hiện hoàn thiện hệ thống đài truyền thanh cơ sở tại 19 xã, 2 thị trấn; 203 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông được lắp đặt tại 203 nhà văn hoá xóm hành chính trên địa bàn toàn huyện.
Với mục tiêu giảm nghèo từ 5% trở lên trong năm 2024, huyện Trùng Khánh tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung khai thác các nguồn lực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Huyện phấn đầu hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.