Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Cao Lẫm – Nguyên trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong quy chế quản lý của Bộ Y tế, chất thải y tế là vật chất ở thể rắn, lỏng và khí được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường. Trong đó, các loại chất thải nguy hại như chất thải lây nhiễm, chất thải sắc nhọn, chất thải lây, nhiễm không sắc nhọn, chất thải giải phẫu, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao cần được quản lý chặt chẽ. 

Chất thải này dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy hoàn toàn. Đặc biệt, chất thải sắc nhọn có lây có thể gây tác động kép tới con người tổn thương chảy máu, viêm nhiễm mạch máu và nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu chứa vi sinh vật. Vì vậy, các chất thải sắc nhọn lây nhiễm đều được sử dụng trong các vật dụng chống xuyên thấu bằng nhựa hay giấy. Ngoài ra, các bông, băng, gạc có dich máu, mô, phôi của người bệnh cũng có khả năng phát tán mầm bệnh ra môi trường. 

rac thai ran.png
Chất thải y tế phân loại mức nguy hiểm theo màu sắc, được phân loại từ nguồn. 

Cũng theo bác sĩ Lẫm, nguồn chất thải nguy hại không lây nhiễm khác cũng tiềm ẩn nguy hiểm như hóa chất thải bỏ, tinh chất nguy hại vượt ngưỡng, dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào, vỏ chai, lọ thuốc dùng hóa chất, dụng cụ thuốc hoặc hóa chất gây độc cho tế bào, các dụng cụ y tế xét nghiệm vỡ chứa thủy ngân, pin, ắc quy, dung dịch rửa phim Xquang, nước thải xét nghiệm, phân tích… cũng đe dọa con người nếu không quản lý chặt chẽ. Các nhóm dễ bị phơi nhiễm từ các loại chất thải này như bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm nuôi người bệnh.

Để giảm rác thải y tế, bác sĩ Lẫm cho rằng các cơ sở y tế nên đổi mới thiết bị, quy trình để giảm thải phát sinh chất thải y tế. Việc mua sắm, lắp đặt nên phù hợp với nhu cầu sử dụng. Các đơn vị cần có biện pháp và lộ trình thưc hiện hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy, tập trung tăng cường giảm tác hại nhựa trong khuôn viên bệnh viện.

Đặc biệt, quá trình phân loại rác thải y tế từ ban đầu giúp tái chế lại cũng là biện pháp giảm thiểu tác hại từ chất thải y tế. Kiểm soát việc thực hành đúng quy trình khám bệnh, phân loại chất thải đúng quy định tại nguồn là nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện.

Hiện nay Bộ Y tế đã hướng dẫn về việc quản lý rác thải y tế qua nhiều giai đoạn. Từ năm 2007, Bộ Y tế ban hành quy chế quản lý chất thải y tế trong cơ sở y tế. Đến năm 2015, thông tư liên tịch của Bộ Y tế với Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý rác thải, đến năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quản lý rác thải y tế trong khuôn viên bệnh viện. Bác sĩ Lẫm cho biết các quy định đều rất chặt chẽ và căn cứ vào Luật Môi trường.

Ngoài các Thông tư, Bộ Y tế thường xuyên có các văn bản về việc thực hiện quản lý chất thải y tế nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19. Tại TP.HCM, Sở Y tế đã có các công văn hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở y tế tuân thủ về quản lý chất thải y tế. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, cơ sở ngoài công lập đều phải đảm bảo nguyên tắc về xử lý rác thải y tế theo đúng quy định.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV